Là một trong ba hãng kiểm toán độc lập từng thực hiện kiểm toán tại SCB, Deloitte Việt Nam kiểm toán tại SCB trong ba năm (2017-2019). Trước đó, EY Việt Nam kiểm toán tại SCB trong 5 năm (2012-2016). Từ năm 2020, KPMG Việt Nam là đơn vị kiểm toán cho SCB.
Suốt những năm qua, cả ba hãng kiểm toán này đều đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần với báo cáo tài chính của SCB và không cho thấy những điểm bất thường nào về tình hình tài chính của ngân hàng này. Nhưng khi SCB bị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, kết quả kiểm toán lại cho thấy, tại thời điểm ngày 30/9/2022, SCB lỗ lũy kế gần 465.000 tỷ đồng, âm (-) vốn chủ sở hữu khoảng… 444.000 tỷ đồng (?).
Vẫn biết, các hãng kiểm toán đưa ra ý kiến dựa vào các số liệu, tài liệu ngân hàng và bên thứ ba cung cấp mà không có chức năng thẩm định lại. Vì thế, ngân hàng là bên phải chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác và trung thực của hồ sơ, tài liệu cung cấp cho kiểm toán. Song vấn đề đặt ra là vai trò kiểm toán độc lập ở đâu khi những ý kiến đó, dù do chủ quan hay khách quan, cũng đã tạo ra góc nhìn khác cho các nhà đầu tư về tình hình thực tế tại SCB!
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Tài chính đánh giá, các quy định hiện hành về xử lý vi phạm kiểm toán độc lập chưa đủ răn đe và có kẽ hở. Do đó, nhiều doanh nghiệp kiểm toán "không sợ" và "không ngại vi phạm" quy định của Luật Kiểm toán độc lập cũng như các văn bản hướng dẫn, việc xảy ra tại SCB là minh chứng rõ nét.
Cơ quan này cho rằng, đã đến lúc cần phải thực hiện sửa đổi Luật Kiểm toán độc lập theo hướng bổ sung hình thức xử phạt và tăng mức độ xử lý với kiểm toán viên, doanh nghiệp vi phạm.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất, nâng thời hiệu xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập lên 10 năm, thay vì một năm như quy định hiện hành. Đồng thời, Bộ cũng muốn tăng mức phạt tối đa với tổ chức vi phạm từ 100 triệu đồng lên ba tỷ đồng, và từ 50 triệu đồng lên 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân vi phạm… Các tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị thu hồi chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên, thu hồi chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán... Đặc biệt, các cá nhân vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đề xuất này đang được dư luận rất quan tâm bởi thực tế trách nhiệm của công ty kiểm toán là đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính của doanh nghiệp dựa trên kết quả cuộc kiểm toán theo các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam. Nghĩa là, các hãng kiểm toán phải tuân thủ chuẩn mực này, cũng như các quy định về đạo đức nghề nghiệp trong lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán độc lập.
Giới chuyên gia kỳ vọng, khi đề xuất của Bộ Tài chính được luật hóa, vị thế độc lập của các công ty kiểm toán, kiểm toán viên phải song hành việc phải chịu trách nhiệm ở mức độ cao hơn với chính những ý kiến, kết luận do họ đưa ra, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng, và sự minh bạch, thượng tôn pháp luật luôn được đặt lên hàng đầu.