Báo cáo từ Bộ Xây dựng cho biết, trong quý II năm nay, giá căn hộ chung cư tăng trung bình 5 đến 6,5% so quý I; tăng 25% so cùng kỳ năm ngoái. Nhiều dự án trên địa bàn thành phố Hà Nội có mức tăng tới 30%.
Nguyên nhân chính khiến giá chung cư trên địa bàn Hà Nội tăng đột biến như vậy được nhận định là do thị trường khan hiếm nguồn cung suốt nhiều năm qua. Bất chấp sự tăng lên mạnh mẽ từ nhu cầu mua nhà, nguồn cung căn hộ vẫn phát triển không tương xứng. Số lượng dự án ngày càng hạn chế, trong khi nhu cầu của khách hàng, nhất là các hộ gia đình trẻ rất lớn. So năm 2022, nguồn cung tại Hà Nội năm 2023 giảm sút khoảng 10.500 căn (khoảng 31%). Nguyên nhân còn do cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá căn hộ chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao. Hệ quả dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở mất đi khả năng tiếp cận. Ngoài ra, có hiện tượng nhiều cá nhân, hội nhóm mua căn hộ mục đích đầu cơ trong thời gian ngắn để kiếm lời, gây nhiễu loạn thị trường.
Hiện nay ở Hà Nội, căn hộ chung cư có giá hơn 4 tỷ đồng trở thành mức giá mua bán phổ biến. Với mức 3 tỷ đồng, người dân vẫn chật vật để tìm được chốn an cư. Trước thực tế này, vai trò điều tiết thị trường bất động sản của Nhà nước là hết sức cấp thiết. Nếu Nhà nước không can thiệp sớm sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho thị trường và cả xã hội.
Vai trò điều tiết thị trường của Nhà nước cũng đã được nêu rõ tại Điều 34, Nghị định số 96/2024/NĐ-CP, ngày 24/7/2024 Quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản. Theo đó, Bộ Xây dựng thực hiện nghiên cứu, tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình và đề xuất các biện pháp điều tiết thị trường bất động sản được thực hiện khi chỉ số giá giao dịch bất động sản có sự biến động tăng/giảm hơn 20% trong 3 tháng; hoặc thị trường bất động sản có các biến động khác ảnh hưởng đến ổn định kinh tế-xã hội.
Bàn về giải pháp, nhiều chuyên gia cho rằng, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản. Bên cạnh đó, cần có chính sách và công cụ hợp lý để hướng các doanh nghiệp đầu tư các dự án phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội. Việc tăng nguồn cung sẽ tác động làm bình ổn giá nhà theo quy luật cung-cầu, quy luật cạnh tranh của thị trường. Ngoài ra, cần nghiên cứu, áp dụng công cụ về thuế đối với người sở hữu nhiều tài sản nhà, đất để hạn chế hoạt động đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn với mục đích kiếm lời. Giải pháp này nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ, thổi giá, hỗ trợ người có nhu cầu thực về nhà ở có thể tiếp cận tốt hơn, giúp thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đây cũng là giải pháp phổ biến mà nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng.