Không còn chỗ cho sợ sai, sợ trách nhiệm

Một danh sách khá dài các dự án luật sẽ được Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp cuối tháng 10 này. Trong số ấy, có thể nhắc tới hai dự án luật sửa đổi nhiều luật.
Theo dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào cuối tháng 10 này.
Theo dự kiến, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật sửa 7 luật trong lĩnh vực tài chính tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra vào cuối tháng 10 này.

Một là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư và Luật Đấu thầu. Hai là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.

Mục tiêu chính của hai dự án luật này là nhằm tháo gỡ ngay những vướng mắc trong hoạt động đầu tư và đấu thầu; vướng mắc trong thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy các nguồn lực tăng trưởng, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn chưa hồi phục do tác động bất lợi từ dịch bệnh, khó khăn trong nước, thị trường nước ngoài... Những con số tăng trưởng GDP trong mục tiêu kế hoạch được đề ra thường niên và dài hạn cũng phụ thuộc rất lớn vào sự năng động trở lại của động lực tăng trưởng quan trọng này.

Tuy nhiên, mục tiêu không chỉ là như vậy!

Phải nhắc tới năm quan điểm chỉ đạo của Chính phủ với các bộ, ngành trong công tác xây dựng pháp luật đã được Thủ tướng nhấn mạnh trong các phiên họp chuyên đề pháp luật.

Một là, tránh trường hợp khi chưa có luật thì làm được, khi có rồi thì lại vướng, không thực hiện được, các quy định chồng chéo, mâu thuẫn.

Hai là, tăng cường phân cấp, phần quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực; thiết kế công cụ giám sát, kiểm tra, nâng cao năng lực thực thi và trách nhiệm của người được phân cấp, phân quyền; cắt giảm các thủ tục hành chính, không tạo ra cơ chế xin-cho, góp phần giảm chi phí tuân thủ thời gian, đi lại, phòng ngừa tham nhũng vặt; đặc biệt là góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm cho người dân tốt hơn.

Ba là, không để xảy ra tình trạng cài cắm lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực mà phải vì lợi ích chung, trong sáng, vô tư trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Bốn là, kế thừa các quy định còn giá trị, đang thực hiện tốt, nếu không có vướng mắc thì không có thêm thủ tục hành chính trong các luật dự kiến sửa đổi, bổ sung; xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới phát sinh, dự báo để có hướng xử lý đối với những tình huống bất ngờ nhằm xây dựng được một hệ thống pháp luật ổn định, lâu dài.

Năm là, các cơ quan cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để có giải pháp hiệu quả, tiếp tục lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách.

Rõ ràng, thông điệp quan trọng mà Chính phủ đã gửi đi trong lần sửa đổi một loạt văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh và quản lý tài sản nhà nước là tái lập môi trường kinh doanh lành mạnh, môi trường pháp lý công khai, minh bạch cho cả các vấn đề đang vướng mắc, các vấn đề được dự báo sẽ phát sinh và cả tình huống bất ngờ…

Như vậy, sẽ không còn lý do cho tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm từ cả phía công chức và doanh nghiệp. Niềm tin kinh doanh sẽ có thêm điều kiện để được bồi đắp, tiếp sau những quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo.

Đây là điều mà nền kinh tế đang thật sự cần, vào lúc này!