Cấp bách bài toán giá điện

Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa ra thông báo giá bán lẻ điện bình quân (giá điện) tăng từ 2.006,79 đồng lên 2.103,11 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương mức tăng 4,8%, lập tức thu hút sự quan tâm của xã hội. Điều này được lý giải nhằm cân bằng tài chính cho ngành điện bởi giá bán bình quân thực tế đã biến động hơn 3%, mức được điều chỉnh theo Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg về quy định cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
0:00 / 0:00
0:00
Hướng dẫn sử dụng tiết kiệm điện trong sản xuất gốm sứ. Ảnh: Ngọc Hà
Hướng dẫn sử dụng tiết kiệm điện trong sản xuất gốm sứ. Ảnh: Ngọc Hà

Trước đó một vài ngày, Bộ Công thương cũng phát đi thông báo về kết quả làm việc của đoàn kiểm tra chi phí giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 của EVN. Theo đó, năm 2023, mua bán điện thuần túy khiến EVN lỗ 34.244,96 tỷ đồng. Tuy nhiên, do có một số nguồn thu khác cũng trong sản xuất, kinh doanh điện là 12.423,4 tỷ đồng, nên xét chung cả năm 2023, con số lỗ là 21.821,56 tỷ đồng. Một năm trước đó, tập đoàn này lỗ gần 36.300 tỷ đồng từ hoạt động mua bán điện. Nếu cộng cả khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá treo từ năm 2019 (hơn 18.000 tỷ đồng), EVN lỗ hơn 76.000 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD) trong hai năm 2022-2023.

Trong khi đó, cũng theo Bộ Công thương, thực tế điều chỉnh giá bán điện bình quân các năm qua thường thấp hơn so với phương án đề xuất của EVN và kết quả rà soát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Điều này dẫn tới chi phí bị dồn tích do mức điều chỉnh không đủ để thu hồi các chi phí phát sinh chưa được tính hoặc chưa được tính đủ vào giá điện.

Trước thực tế này, các chuyên gia khuyến nghị, tình trạng “mua cao, bán thấp”, đầu vào theo thị trường nhưng đầu ra lại không quyết đủ theo các chi phí đã tính đúng, đủ, hợp lý, hợp lệ trong quá trình sản xuất, kinh doanh điện, dẫn tới nhiều bất cập, hệ lụy cho sản xuất, kinh doanh điện và các ngành sử dụng điện nói riêng và cho cả nền kinh tế nói chung.

Việt Nam sẽ cần gần 135 tỷ USD để phát triển nguồn và lưới điện truyền tải đến 2030. Nhu cầu vốn cho phát triển nguồn, lưới tăng lên 399-523 tỷ USD vào 2050, trong đó hơn 90% dành cho xây mới các nguồn điện, còn lại là lưới truyền tải. Nguy cơ thua lỗ kéo dài của ngành điện sẽ không tạo được động lực thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân, cũng như gây ảnh hưởng đến uy tín tài chính của EVN khi vay vốn, dẫn tới khó khăn trong triển khai quy hoạch phát triển điện trung, dài hạn. Thậm chí, lý do này còn được dẫn ra như một nguy cơ có thể khiến cho Quy hoạch điện VIII trở nên khó được hiện thực hóa…

Với nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch, thiên tai, dự báo nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, tăng giá sẽ gây áp lực lên lạm phát. Tổng cục Thống kê tính toán, chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 10% sẽ tác động làm CPI tăng 0,33 điểm phần trăm. Như vậy, muốn giải quyết bài toán giá điện, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch và lộ trình về mức độ và thời điểm nhằm bảo đảm tính thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát, vẫn cần những tháo gỡ từ cơ chế. Như để giải quyết bất cập trong bù chéo kéo dài giữa các nhóm dùng điện sinh hoạt (bậc cao với bậc thấp), sinh hoạt với sản xuất, giữa vùng, miền..., Bộ Công thương đã trình Chính phủ dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định 28/2014/QĐ-TTg. Hay như việc hoàn thành đề án nghiên cứu về cơ chế giá điện hai thành phần để dự kiến thí điểm tại một số tỉnh, thành phố vào cuối năm 2024…

Điều chỉnh giá điện là việc cần, song, điều chỉnh như thế nào cho phù hợp là điều các cơ quan quản lý cũng như EVN cần phải tìm ra lời giải thỏa đáng, nhất là khi giá điện đang gánh “đa mục tiêu” vừa phải bù đắp chi phí, khuyến khích đầu tư, vừa bảo đảm an sinh xã hội, an ninh năng lượng, kiểm soát lạm phát.