Tư duy xây dựng chính sách cần theo kịp cuộc sống

Có hiệu lực từ năm 2009, dù cũng đã qua quá trình vài lần sửa đổi, bổ sung, song dường như Luật Thuế thu nhập cá nhân có nhiều quy định không còn phù hợp điều kiện hiện nay, thậm chí cần phải sửa đổi sớm. Đơn cử, quy định về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh chỉ thực hiện khi lạm phát tăng hơn 20%.
0:00 / 0:00
0:00
Mức giảm trừ gia cảnh không được cập nhật theo biến động của mức lương tối tiểu, giá cả hàng hóa, lạm phát... đang là một bất cập lớn. Ảnh: Hải Nam.
Mức giảm trừ gia cảnh không được cập nhật theo biến động của mức lương tối tiểu, giá cả hàng hóa, lạm phát... đang là một bất cập lớn. Ảnh: Hải Nam.

Ở góc độ quản lý nhà nước, trên diễn đàn Quốc hội và qua các phương tiện thông tin đại chúng, đại diện Bộ Tài chính đã không ít lần khẳng định, việc chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là có căn cứ và cơ quan này đang thực hiện đúng pháp luật.

Vẫn biết việc điều chỉnh, sửa đổi luật đương nhiên phải căn cứ và tuân thủ quy định pháp luật hiện hành, song về vấn đề này, theo các chuyên gia kinh tế, không nên quá cứng nhắc, mà phải theo kịp diễn tiến cuộc sống dân sinh.

Thực tế minh chứng, cách tính mức giảm trừ gia cảnh chỉ căn cứ vào biến động chỉ số giá tiêu dùng là chưa đủ mà còn phải tính theo xu hướng phát triển nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo thời gian, từ nhu cầu đủ cơm no áo mặc, những ước muốn đi du lịch, vui chơi, tái tạo sức lao động của người dân đã dần trở thành nhu cầu tất yếu, như vậy, mỗi năm mỗi khác, tại sao ngưỡng giảm trừ gia cảnh lại cứ mãi cố định theo lạm phát?

Không chỉ vậy, thuế thu nhập cá nhân hiện hành với các quy định về việc phân chia bậc lũy tiến hay mức giảm trừ gia cảnh không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, giá cả, lạm phát... đang là một bất cập lớn.

Hơn nữa, trên bình diện quốc tế, nhiều quốc gia đã tiến tới giảm dần mức thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ người dân, khuyến khích người dân lao động sáng tạo, nâng cao thu nhập. Và thuế thu nhập cá nhân được coi là công cụ giúp điều tiết kinh tế vĩ mô, góp phần tăng phúc lợi xã hội thông qua việc giảm bớt thu nhập của những đối tượng có thu nhập cao và phân phối lại cho người thu nhập thấp hơn. Trong khi đó, ở nước ta, với nhiều gia đình, nhất là tại các thành phố lớn, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không đủ để đáp ứng chi tiêu cơ bản.

Đặc biệt là từ ngày 1/7/2024 vừa qua, mức lương cơ sở đã điều chỉnh tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%) và tăng mức lương tối thiểu vùng lên 6% so năm 2023,... người dân chưa kịp mừng với tăng lương đã lo tăng khoản thu nhập chịu thuế và thắc thỏm lo giá cả tăng theo.

Rõ ràng, đã đến lúc cơ chế điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cần được xây mới và phản ánh vào Luật sửa đổi. Và để có phương án, lộ trình điều chỉnh phù hợp, hiệu quả, thiết nghĩ, cơ quan xây dựng chính sách thuế cần phải thay đổi tư duy, và cần thiết kế ngưỡng điều chỉnh hay cách tính mức giảm trừ gia cảnh trên nhiều phương diện, có phản ánh thực tế, đa dạng và công bằng hơn mức sống của người dân thay vì chỉ áp dụng một mức giảm trừ tuyệt đối, cố định như hiện tại.

Điều này không chỉ tác động tích cực đến nguồn thu ngân sách, mà còn có vai trò tạo động lực cho người lao động sáng tạo, và khuyến khích mức độ tuân thủ của người nộp thuế.