Truy vết doanh nghiệp “ma”

Hiện thực hóa chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính, “đồng hành cùng doanh nghiệp”, Chính phủ đã tạo điều kiện tối đa về thủ tục đăng ký, cấp phép thành lập doanh nghiệp, không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Song, trong quá trình thực thi lại xuất hiện loại doanh nghiệp “ma” lợi dụng thủ tục thông thoáng, đơn giản với chi phí thấp để trục lợi. Đây là lỗ hổng pháp lý lớn liên quan đến việc thành lập, quản lý và giám sát hoạt động của doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Cơ quan thuế có đủ công cụ và điều kiện để truy vết đến cùng các hành vi sai phạm của các doanh nghiệp “ma”. Ảnh: Minh Phương
Cơ quan thuế có đủ công cụ và điều kiện để truy vết đến cùng các hành vi sai phạm của các doanh nghiệp “ma”. Ảnh: Minh Phương

Trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng trên địa bàn cả nước đã mạnh tay xử lý nhiều đối tượng liên quan đến các vụ án mua bán hóa đơn giá trị gia tăng. Nhưng vấn đề này vẫn tạo áp lực nặng nề đối với công tác quản lý hóa đơn, chứng từ, đòi hỏi cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp ngăn ngừa hiệu quả doanh nghiệp “ma”. Và không vì thành tích về số lượng doanh nghiệp được thành lập mới mà “lỏng tay” cấp phép tràn lan.

Thực tế, ngoài việc phát đi cảnh báo về một số thủ đoạn, hành vi sai trái và trách nhiệm pháp lý khi thành lập doanh nghiệp “ma” để mua, bán hóa đơn, chỉ trong năm 2023, ngành thuế đã chuyển 88 hồ sơ sang cơ quan công an kiến nghị điều tra, khởi tố và nhận hơn 4.400 yêu cầu cung cấp hồ sơ từ cơ quan công an nhằm trấn áp tội phạm kinh tế, đối tượng phát hành, mua bán trái phép hóa đơn và có hành vi trốn thuế.

Nhất quán quan điểm coi các hành vi trục lợi từ các doanh nghiệp “ma” không chỉ là hành vi vi phạm nghiêm trọng hệ thống pháp luật về thuế, mà còn có tác động xấu đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, Tổng cục Thuế đã chủ động ngăn chặn nhằm giảm những hệ quả khôn lường cho cá nhân và toàn xã hội. Đồng thời, cơ quan thuế còn phối hợp các cơ quan liên quan quyết liệt phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời những doanh nghiệp có dấu hiệu mua, bán hóa đơn, trốn thuế, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Đặc biệt, tăng cường phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan công an thu thập tài liệu điều tra, xác minh, nếu có dấu hiệu vi phạm, trốn thuế và chuyển hồ sơ đến cơ quan công an điều tra, xử lý.

Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, việc thành lập doanh nghiệp “ma” để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật không phải là lựa chọn khôn ngoan của nhà quản lý, điều hành đối với chính doanh nghiệp của mình. Bởi hiện nay cơ quan thuế đã đủ năng lực thực hiện quản lý hiệu quả, giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng hóa đơn nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hóa đơn, chứng từ. Đồng thời, cơ quan này còn giao nhiệm vụ tới từng công chức, đội, từng bộ phận có liên quan đến quản lý người nộp thuế, tiến hành thành lập tổ rà soát, quản lý rủi ro sử dụng hóa đơn, phân tích, đánh giá xác minh người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, tiến hành khai thác, rà soát và đánh giá kết quả phân tích dữ liệu…

Hơn thế, với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và áp dụng nhiều phương pháp mới quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số hiện nay, những hóa đơn, chứng từ của doanh nghiệp nói chung đều được lưu vết và cơ quan thuế có đủ công cụ và điều kiện để truy vết đến cùng các hành vi sai phạm của các doanh nghiệp “ma”.