Lựa chọn hệ đào tạo phù hợp năng lực

Phân luồng học sinh sau trung học cơ sở sẽ góp phần tạo sự phát triển cân đối về cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực và cơ hội được học tập suốt đời cho mọi người phù hợp năng lực, sở trường, nguyện vọng và hoàn cảnh cá nhân, nhằm xây dựng xã hội học tập.
0:00 / 0:00
0:00
Các em học sinh học nghề tại Trường cao đẳng Công nghiệp cao-su (thành phố Đồng Xoài, Bình Phước).
Các em học sinh học nghề tại Trường cao đẳng Công nghiệp cao-su (thành phố Đồng Xoài, Bình Phước).

Năm nay, Bình Phước quyết liệt thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025”, nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Theo kế hoạch phân luồng học của tỉnh Bình Phước, năm nay chỉ có khoảng 70% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục vào học lớp 10 tại các trường trung học phổ thông công lập, tương đương gần 5.000 học sinh phải lựa chọn các hình thức khác như học nghề hay học tại các trường tư thục. Điều này đã tạo áp lực rất lớn đối với học sinh, giai đoạn hiện nay, ngoài lịch học chính khóa ở trường, nhiều em còn kín lịch học thêm, ôn thi cả ngày lẫn đêm.

Ghi nhận tại các trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh, đến cuối tháng 5, chỉ còn cô và trò khối lớp 9 vẫn miệt mài ôn luyện. Tại Trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ (xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng), các em học sinh đang trong giai đoạn ôn tập nước rút. Nhà trường chia thành nhiều phòng để bổ sung thêm phần kiến thức, đồng thời tổ chức cho các em học sinh làm quen với các dạng bài thi.

Em Nguyễn Thanh Tuyền, học sinh lớp 9A1, Trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ cho biết: Mặc dù nhà trường, thầy cô đã thông báo kế hoạch phân luồng học sinh từ trước nhưng chúng em vẫn rất lo lắng. Hiện nay chúng em đang tranh thủ thời gian để ôn tập nắm vững kiến thức. Em cũng tham gia đầy đủ các buổi ôn tập kiến thức nâng cao do nhà trường tổ chức và cố gắng làm tốt các dạng bài tập để sớm có kết quả tốt nhất.

Không chỉ học sinh gánh nhiều áp lực, mà các thầy cô giáo cũng vất vả, cố gắng đồng hành để các em có kết quả tốt nhất. Cô Nguyễn Thị Liên, giáo viên dạy môn tiếng Anh, Trường trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ cho biết: Hiện nay, giáo viên đang ôn tập cho học sinh những kiến thức mà các em bị rỗng.

Qua những bài ôn tập, các em hệ thống lại kiến thức đã học để làm bài tốt hơn; nhất là những bộ đề biên soạn theo đúng cấu trúc của chương trình kỳ thi mới sẽ giúp các em làm quen với các dạng bài tập cũng như cấu trúc, giới hạn thời gian làm bài. Để giảm áp lực, các thầy cô giáo cũng phân bổ thời gian học tập hợp lý, đồng thời khuyên các em bố trí thời gian nâng cao sức khỏe và nghỉ ngơi để có một thể trạng tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi.

Tuy nhiên sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, học sinh không nhất thiết phải vào các trường trung học phổ thông công lập mà còn nhiều hình thức học khác nhau như hình thức “9+” - một hình thức mang tính tất yếu của xu thế. Đây là một hình thức học giúp học sinh sau khi học hết lớp 9 được xét tuyển học bạ để vào học nghề song song với học văn hóa. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, các em ra trường vừa có bằng phổ thông, vừa có bằng trung cấp nghề để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Thậm chí ước mơ dấn thân vào con đường học vấn vẫn sẽ rộng mở nếu sau khi tốt nghiệp các em có nhu cầu học liên thông lên cao đẳng, đại học.

Trước khi trở thành sinh viên Khoa Kế toán-Tin học A, Trường cao đẳng Công nghiệp cao-su (thành phố Đồng Xoài, Bình Phước), Nguyễn Hoài Ngọc Linh mới chỉ tốt nghiệp tại một trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện Bù Đăng. Thay vì bằng mọi cách như bạn bè để vào được một trường trung học phổ thông, Linh đã chủ động tìm hiểu và quyết định lựa chọn cho mình hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân.

Em Nguyễn Hoài Ngọc Linh chia sẻ: Môi trường vừa học văn hóa vừa học nghề khá mới lạ nhưng khi bước vào học, em mới biết lựa chọn của mình là phù hợp với hoàn cảnh, năng lực bản thân. Môi trường “9+” mọi học sinh được tạo điều kiện hết mức có thể và chúng em được tiếp xúc với nhiều cái mới. Điều quan trọng là khi ra trường, em vừa có bằng cấp 3, vừa có bằng trung cấp để có thể đi làm sớm. Ngoài ra em còn được Nhà nước hỗ trợ 100% học phí.

Ông Trần Đình Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp cao-su cho biết, “Hiện nay đã có 40 đơn vị liên hệ với nhà trường để tuyển dụng nhân lực, dự kiến trong năm học 2023-2024, nhà trường sẽ tiếp tục ký kết với 10 doanh nghiệp khác nhằm bảo đảm đầu ra cho các em theo học tại trường. Nhiều sinh viên của trường trong thời gian đi thực tập, đã được doanh nghiệp trả tiền lương mức tối thiểu 5,4 triệu đồng, thậm chí có doanh nghiệp cam kết trả 12 triệu đồng nếu các em đến thực tập”.

Với thế hệ “9+”, các em vừa được học văn hóa, vừa được học nghề và sau ba năm theo học thì tốt nghiệp bậc trung học phổ thông và tốt nghiệp hệ trung cấp nghề. Đây chính là con đường mới cho học sinh sớm gia nhập thị trường lao động thời đại 4.0 - thời đại mà các doanh nghiệp coi trọng năng lực làm việc, thái độ làm việc hơn bằng cấp của các ứng viên.