Cô ơi con muốn biết chữ
Cách trung tâm thành phố 15 km, xóm ngụ cư nghèo ở ấp 2, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) được người dân gọi là "xóm mù chữ". Lũ trẻ hầu hết là con của những người nhập cư từ tứ phương: không đất, không hộ khẩu và không biết chữ. Những người trong xóm chợ coi nhau là "tứ hải giai huynh đệ", họ đi làm đủ thứ nghề và tới đủ các khu công nghiệp, nhiều thành phố khác nhưng rồi cũng dạt về đây định cư với ước mơ đổi đời. Buổi tối, trong những khu xóm trọ, họ tụ tập lại. Giọng bắc, trung, nam hòa vào nhau, kể nhau nghe những câu chuyện mà họ đi khắp nơi nghe và thấy được. Nhưng khi kể về chuyện học hành thì họ lại chua xót, bởi chính họ cũng mù chữ, nói gì tới dạy chữ cho con mình và ước mơ cho con tới trường học chữ để đổi đời. Họ đem chuyện kể cho cô Tươi, một cán bộ xã nghe về những đứa con mù chữ của mình: "Tụi tui mù chữ, không lẽ tới đời con cũng mù chữ hay sao cô?". Vậy là lớp học tình thương của cô Tươi ra đời từ đó.
"Bà ấy nhà tôi yếu lắm nhưng nặng nợ với bọn nhỏ nghèo xóm chợ này, sức khỏe tôi không tốt từ những năm tháng làm bộ đội giải phóng, ba đứa con thằng thì trong quân đội, đứa làm công nhân, đứa làm y tá nhưng cũng một tay tôi chăm sóc để bà lo việc nhà nước rồi lo dạy chữ cho bọn nhỏ xóm nghèo này biết chữ" - chú Phạm Văn Ðức chồng cô Tươi nói.
Dùng ba tiếng đồng hồ nghỉ trưa, cô tranh thủ dạy các em. Mới đầu chỉ là bảy em tuổi từ 19, 20 tới xin học. Tiếng lành đồn xa, rồi các em khác tìm tới xin học đông hơn. Cô và nhà chùa rời lớp vào trong sảnh đường dạy. Cũng tiện cho các em không bị mưa nắng. Ngôi chùa nhỏ bé cũng không thể cưu mang những con người khát chữ mỗi ngày một đông nơi đây. Cô Tươi đem chuyện nhờ cán bộ xã. Năm 2007, trung tâm học tập cộng đồng được xã xây dựng, lớp học tình thương của cô Tươi có trụ sở mới khang trang với diện tích hơn 30 m2.
Em dạy anh đọc chữ nhé
Thấm thoắt lớp học đã tồn tại được hơn 24 năm. Cô Tươi chia lớp học ra thành năm lớp tương đương từ lớp 1 tới lớp 5, tổng cộng có 86 học sinh. Cô Tươi nói: "Ðến nay không chỉ trẻ em xóm chợ này theo học mà còn có các em ở nhiều nơi, thậm chí có em từ thành phố về học". Từ ngày cô Tươi về hưu, lớp học của cô được học cả ngày chứ không chỉ còn là ba tiếng buổi trưa nữa. Các em buổi sáng đi làm thì học chiều, và ngược lại.
Lớp học này có quá nhiều cái đặc biệt, những em nhỏ thì ngồi dãy bàn trên, bên dưới dành cho các anh chị đã lớn lần đầu đi học. Tất cả năm lớp đều ngồi học chung. Em làm toán, em học tiếng Việt, có những em ngồi chỉ đọc bảng chữ cái.
Ba ngày đầu tiên trong đời được đi học, Nguyễn Minh Sang, cậu bé ăn mặc nhem nhuốc, thân hình nhỏ hơn cái tuổi 17. Sang vật lộn với cây bút chì. Ðôi bàn tay to, sần sùi của đứa trẻ quen lao động từ nhỏ ngồi cuối lớp, cố gắng đọc bảng chữ cái. Không biết là chữ gì, cậu quay qua hỏi cô bé bảy tuổi bên cạnh: "Chữ này là chữ gì vậy em?". Sinh năm 1980, Hoàng Thị Thanh sau ba năm cố gắng đã học tới lớp 5. "Nhà tận Sóc Trăng, hồi nhỏ nghèo quá không được đi học, lớn tha phương kiếm sống, có điện thoại mà không biết đọc tin nhắn, chị xin học để biết chữ dùng điện thoại nhắn tin hay ký tên..., giờ biết chữ lại muốn học có bằng cấp với người ta", chị nói.
Giờ ra chơi, trong lúc các em bé náo động cả một khoảng sân thì Sơn, cậu bé 15 tuổi, vẫn ngồi tại chỗ hý hoáy với bảng chữ cái. Bí chữ, cậu gọi cô bé khoảng tám tuổi đang chơi, đến giúp mình: "Em dạy anh đọc chữ nhé, chút anh mua kẹo cho".
"Em quê tận Hưng Yên. Sáng em đi học, chiều em đi làm tại xưởng gỗ với bố em, mẹ em đi mua ve chai trong thành phố", Duy, cậu lớp trưởng nói. Trương Hoàng Ðạo, sinh năm 1993, đang học lớp 3. Sáng đi học, chiều về phụ mẹ làm xôi rồi chở lên An Lạc bán tới ba giờ sáng. Về nghỉ mấy tiếng rồi lại đi học.
Cô Tươi cho biết: "Tất cả các em đều một buổi đi học, buổi đi làm phụ gia đình. Tha phương cầu thực, nay đây mai đó theo bố mẹ đã làm các em mất cơ hội tới trường. Vì nhiều lý do, nhưng quan trọng nhất là không có hộ khẩu, nhà trường không chịu nhận". Cô chỉ cho tôi về cậu bé ngồi bàn đầu tên Hải, 19 tuổi nhưng bị bệnh não chậm phát triển, cố gắng lắm mới viết được chữ và làm những phép toán đơn giản nhất, nhiều khi đang học bỗng lên cơn co giật, cô lại phải tự sơ cứu cho em.
Lớp học có thêm bốn bạn bị câm điếc, trong đó có hai chị em sinh đôi do bố mẹ làm việc tại nhà máy nhựa độc hại rồi ảnh hưởng khi sinh các em. Ðã 11 tuổi nhưng hai em chỉ bé bằng đứa trẻ bảy tuổi bình thường, cô cố gắng tập cho các em nói những câu đơn giản nhất. "Không ăn thua đâu, vợ chồng tui cũng cố mấy năm nay rồi", bố mẹ hai em bảo. Hôm rồi, hai vợ chồng chạy đến lớp tìm cô, òa khóc nói hai chị em đã nói bập bẹ được từ ba, mẹ...
Góc lớp học có một chỗ ngồi để trống không bạn nhỏ nào ngồi dù các em phải chen nhau chỗ khác ngồi. "Chỗ đó của cậu Út Thân 16 tuổi hiện đang học lớp 4, cậu bé nghỉ học nửa tháng nay vì mẹ anh bị ung thư anh phải vào viện chăm mẹ. Nhà chỉ có hai mẹ con, cậu này là con nuôi của cô Thanh, hồi cô khỏe thì hai mẹ con đi bán vé số sống, giờ cô ấy bệnh cậu Thân cũng nghỉ theo lo cho mẹ. Bọn trẻ bảo nhau không ai được ngồi chỗ đó để khi anh Thân về sẽ học tiếp"- cô Tươi cho biết. Nhớ lại ngày khai giảng cả nước vừa rồi, cô kể: "Dù chỉ là một lớp học tình thương, cô cũng cố xin quần áo cũ để phát cho các em. Có thêm những cuốn tập mới của các bạn sinh viên tình nguyện, hay những cuốn sách giáo khoa xin lại là món quà động viên hết sức ý nghĩa đầu năm cho các em nỗ lực vươn lên".
Ước gì lớp con thành trường học như bên kia
Mấy năm trở lại đây, lớp học tình thương của cô được sinh viên tình nguyện về giúp sức, cô không còn phải đứng lớp một mình và bàn ghế cũng được thay mới một phần. Trong khi các em nhỏ làm toán, cô đi bày cho các bạn mới nhập học cách cầm bút tập viết. Hôm bữa quá mệt cô xỉu ngay tại lớp. Không để các em phải nghỉ học, cô nhờ Bình, cậu cán bộ xã về dạy thay. "Lâu lâu mấy em sinh viên mới về một lần", cô nói.
Tết Thiếu nhi 1-6, các bạn sinh viên về tổ chức vui chơi đón Tết với các em, yêu cầu mỗi em viết một lá thư gửi cho cô tiên xanh và viết về những ước mơ của mình. Trong những bức thư đó, có ước mơ sau này làm bác sĩ, có ước mơ làm ca sĩ, kỹ sư... Nhưng có một bức thư của em Nguyễn Trường An đang học lớp 4 chỉ ngắn gọn là: "Em ước lớp em thành trường học, như trường bên cạnh kia". Trường học bên cạnh to lớn, rộng rãi, bạn bè đông đúc chơi đùa. Trong lớp này, An chỉ có vài bạn đồng trang lứa. "Mấy anh chị lớn thương tụi em lắm. Nhưng em rủ chơi bắn bi thì mấy anh chị ấy không chơi", An kể.
Tôi hỏi cô: "Khi không thể dạy được nữa cô tính sao?". Cô cười đôn hậu: "Ðó là vấn đề mà 10 năm nay em chưa nghĩ ra, giá người ta cho một giáo viên thường xuyên đứng lớp thì may ra xóm chợ này mới thoát mù chữ...". 24 năm nay đã có những em như Ngọc Dung ra trường, giờ đây học bác sĩ tại thành phố, hay những em không học tiếp nhưng vẫn về bên cô những lúc cô bệnh và lo cho các em đi sau...