Long An ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân để phục hồi nền kinh tế

NDO -

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phục hồi sản xuất, trong tuần qua, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được đã 5 lần trực tiếp đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An, chiều 27/9.
Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được đối thoại trực tuyến với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An, chiều 27/9.

Long An có khoảng 1.300 doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp và các khu kinh tế, với hơn 180.000 lao động. Trong ba tháng qua, trên địa bàn tỉnh có 178 doanh nghiệp có công nhân dính F0, với hơn 3.000 ca; gần 12.000 doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp đang lâm vào cảnh khó khăn, mất đơn hàng, tồn kho lượng hàng hóa lớn, chi phí sản xuất “3 tại chỗ” tăng 40 - 50%, sản lượng giảm; công nhân mất việc làm, không thu nhập…

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghiệp Huafu (Khu công nghiệp Thuận Đạo, Bến Lức) Ma Sheng Jian cho biết, là đơn vị 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất sợi, đơn vị có 2.700 lao động. Hơn hai tháng qua nhà máy sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, với 580 công nhân, chi phí phát sinh gần 150.000 USD, sản lượng giảm 60%. Để vực lại sản xuất, doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn khu cách ly, xưởng sản xuất chia thành nhiều khu nhỏ, mỗi khu một màu thẻ để phân biệt, phát động thi đua “sản xuất xanh”, một tập thể không xuất hiện F0 trong tháng được thưởng thêm cho từng cá nhân. Đến cuối tháng 9, 100% công nhân đã tiêm vaccine mũi 1, mũi 2 được 20%. Để giảm chi phí xét nghiệm định kỳ, doanh nghiệp đề xuất Nhà nước hỗ trợ đơn vị tiếp cận nguồn kit xét nghiệm giá gốc để kiểm tra sức khỏe định kỳ cho công nhân trong quá trình phục hồi sản xuất.

Long An ưu tiên vaccine tiêm cho công nhân để phục hồi nền kinh tế -0
Đoàn công tác của Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được kiểm tra phương án phục hồi sản xuất tại Công ty TNHH MTV Công nghiệp Huafu, chiều 27/9. 

Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Long An Võ Thanh Tú cho biết, hiện một số công nhân trên địa bàn tỉnh đã về quê. Tình hình hiện nay, sau khi các tỉnh, thành trong khu vực được nới lỏng, thông thương, lao động sẽ tiếp tục về quê. Do đó, tình trạng thiếu hụt lao động trong thời gian tới sẽ rất lớn. Ông Tú đề xuất Long An có hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đón người lao động ngoài tỉnh trở lại làm việc. Doanh nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, quy định tài xế, phụ xe đã có “thẻ xanh Covid” vẫn phải test nhanh âm tính trong vòng 72 giờ. Từ khi dịch xảy ra đến nay, có tài xế đã test hơn 20 lần, dễ bị viêm mũi, vừa tốn nhiều chi phí, vì thế nên chăng kéo dài thời gian test nhanh từ 7 - 10 ngày.

Tại buổi đối thoại, rất nhiều doanh nghiệp kiến nghị Long An tăng cường tiêm vaccine mũi 2 cho công nhân, tạo điều kiện cho người lao động, chuyên gia từ địa phương khác trở lại làm việc; cho doanh nghiệp tự điều trị F0 tại đơn vị, F1 cách ly tại công ty và được tiếp tục hoạt động; tăng số lượng lao động hơn 50% so với quy định…

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết: Đến nay tỉnh đã ghi nhận gần 32.200 ca mắc Covid-19, điều trị khỏi trên 28.200 bệnh nhân, còn khoảng 3.000 ca đang điều trị. Sau hơn 3 tháng chống dịch, từ con số hơn 900 ca mắc/ngày thì nay giảm dưới 200 ca/ngày. Tình hình dịch bệnh tại Long An đã cơ bản được kiểm soát. Long An đang từng bước phục hồi sản xuất và kinh doanh.

Từ nay đến 15/10, Long An tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các đơn vị để hoàn hiện phương án phục hồi sản xuất tốt hơn.

Long An đang ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho công nhân, chiến lược này đang đáp ứng đúng theo nguyện vọng của doanh nghiệp. Sau ngày 1/10, cho phép doanh nghiệp tăng số lượng công nhân trên 50%.

Công nhân tiêm vaccine mũi 1 đi làm trong huyện bằng phương tiện cá nhân, trừ khu vực còn đang phong tỏa; công nhân tiêm đủ 2 mũi vaccine được phép đi làm trong tỉnh bằng phương tiện cá nhân; các chuyên gia, người lao động đang cư trú tại TP Hồ Chí Minh đã tiêm vaccine mũi 1, mũi 2 về Long An làm việc thì thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”, hoặc tổ chức xe đưa đón theo phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”.

Doanh nghiệp huy động công nhân ngoài tỉnh trở lại làm việc thì tổ chức đón về. Công nhân chưa tiêm vaccine thì lập danh sách báo cho địa phương nơi tạm trú để được tiêm. Doanh nghiệp phải tự xây dựng phương án sản xuất an toàn, xảy ra F0 thì khoanh vùng báo cho ngành chức năng. Doanh nghiệp đủ điều kiện về y tế thì tự cách ly F0, chăm sóc, điều trị tại đơn vị; F1 cách ly tại công ty và tiếp tục hoạt động sản xuất.

Long An ưu tiên vaccine tiêm cho công nhân để phục hồi nền kinh tế -0
Người lao động Công ty TNHH MTV Công nghiệp Huafu làm việc “3 tại chỗ” ngày 27/9. 

Mục tiêu phục hồi kinh tế của Long An đến ngày 15/10, toàn tỉnh sẽ có khoảng 40% trên tổng số khoảng 13.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại; đến cuối tháng 12/2021 sẽ có 70% doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Sau ngày 1/10, doanh nghiệp đã đăng ký phục hồi sản xuất, nếu 10 đoàn kiểm tra chưa thẩm định kịp phương án, doanh nghiệp được phép hoạt động, hậu kiểm sau đó.

Điều Long An lo nhất hiện nay là tình trạng thiếu hụt lao động, doanh nghiệp đang hoạt động “3 tại chỗ” chỉ khoảng 60% so với nhu cầu. Để chủ động nguồn lao động, doanh nghiệp cần sớm xây dựng phương án, chính sách, vận động, đưa công nhân ngoài tỉnh về. Long An sẽ ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân ngoài tỉnh khi trở lại làm việc.

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được khẳng định: Chủ trương của Long An là thực hiện mục tiêu kép, chiến lược tiêm vaccine là trang bị áo giáp để giúp toàn dân phòng, chống dịch; ưu tiên tiêm vaccine mũi 2 cho công nhân đang cư trú trong tỉnh và công nhân ngoài tỉnh trở lại làm việc để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.

Từ nay đến ngày 15/10, Long An sẽ tập trung tiêm vaccine mũi 2 cho toàn bộ công nhân, kế đến là người già. Nền kinh tế đã mở cửa lại, doanh nghiệp phải chủ động y tế tại đơn vị mình, người lao động phải nâng cao ý thức phòng, chống dịch. Phòng, chống dịch bằng chính mình, cho chính mình là cho chính cộng đồng xã hội. Đây là một giải pháp tốt nhất cho việc phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép