Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng đường Vành Đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Long An cho biết: Dự án đường Vành đai 3 thực hiện đúng tiến độ. Dự án đang triển khai thi công 3 gói thầu chính thuộc phần đường cao tốc, khối lượng hoàn thành đạt khoảng 42%/giá trị xây dựng của hợp đồng. Đường song hành đã hoàn thiện các hạng mục khoan cọc nhồi cầu Tân Bửu, cống hộp, đắp cát nền đường dài 1.286. Nút giao cuối tuyến đã hoàn thành hạng mục cầu vượt ngang Vành đai 3…
Bên cạnh thuận lợi, trong quá trình triển khai thực hiện dự án vẫn gặp khó khăn về nguồn cát đắp nền đường, thời tiết thay đổi bất thường, mưa và nắng không còn theo quy luật đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công công trình.
Khắc phục tình trạng này, Sở Giao thông vận tải Long An phối hợp với Tổ công tác vật liệu do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết bằng cách đa dạng nguồn cung vật liệu đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn của dự án, đồng thời đề xuất tỉnh cho phép tạm ứng nguồn vốn của năm 2024 để thanh toán khối lượng hoàn thành trong cuối năm 2023 cho nhà thầu có nguồn kinh phí chủ động tập kết vật liệu cát nhằm bảo đảm tiến độ thi công.
Sở Giao thông vận tải Long An đề nghị các nhà thầu thi công thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “thi công 3 ca, 4 kíp” làm xuyên lễ xuyên ngày nghỉ, từ đó phần lớn các hạng mục thi công không còn bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết nắng hay mưa.
Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh (đoạn qua địa phận tỉnh Long An) cơ bản hoàn thành đường cao tốc trong năm 2025 và hoàn thiện, đưa vào khai thác từ năm 2026, bảo đảm khối lượng, chất lượng và kỹ, mỹ thuật ở mức độ cao nhất theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/8/2022. Dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ mở ra không gian phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói chung.
Công nhân thi công lắp dầm super T trục kết nối Vành đai 3 từ cầu Tân Bửu đến nút giao. |
Đối với đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với tổng chiều dài tuyến khoảng 198 km đi qua địa bàn 5 tỉnh, thành phố gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Long An.
Ngày 29/9/2021, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn kênh Thầy Cai-Hiệp Phước. Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Long An đã giao Công ty cổ phần Tập đoàn Mikgroup Việt Nam tiến hành nghiên cứu, khảo sát để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo phương thức đầu tư PPP. Hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và đã thông qua 3 kỳ báo cáo tại Ủy ban nhân dân tỉnh Long An.
Ngày 8/5/2024, Bộ Giao thông vận tải có văn bản thống nhất quy mô phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 tuyến đường Vành đai 4 như sau: Quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 25,5 đến 27m. Bộ Giao thông vận tải đề nghị Long An nghiên cứu đề xuất của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung thêm phương án tách đoạn Vành đai 4 trên địa bàn huyện Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh) có chiều dài 3,8km thành dự án độc lập và giao Thành phố Hồ Chí Minh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố. Hiện nay đơn vị Tư vấn đang hoàn thiện lại hồ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Đối với tỉnh Long An đang hoàn thiện hồ sơ để trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2024; hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đầu tư thi công xây dựng trong giai đoạn 2025 đến 2028. Tổng mức đầu đường Vành đai 4 qua địa bàn tỉnh Long An khoảng 64.182 tỷ đồng. Giải pháp vốn đầu tư, Long An kiến nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ 75% tổng vốn ngân sách nhà nước tham gia vào dự án để bảo đảm tiến độ triển khai dự án.
Long An nằm ngay cửa ngõ giao thoa giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ, giáp với Campuchia, Thành phố Hồ Chí Minh và nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đường Vành đai 3 và 4 hoàn thành sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng, rút ngắn hành trình kết nối giữa các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh với các bến cảng, sân bay và các đường cao tốc hiện có và đang được đầu tư đồng bộ trong khu vực, giảm ùn tắc giao thông khu vực cửa ngõ Long An và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế-xã hội cho cả vùng mà dự án đi qua. Điều này giúp doanh nghiệp giảm thời gian vận chuyển, tiết kiệm chi phí đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.