Theo đó, tại khu vực bờ sông Vàm Cỏ Tây (khu vực đê bao liên ấp Bến Kè, Nước Trong, Voi Đình, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa), sạt lở đã cuốn trôi khoảng 250m khối đất, làm sụp 15m đường bê-tông xuống sông, 45m tường và cổng hàng rào, chia cắt giao thông của khoảng 500 hộ dân đang sinh sống trong khu vực 3 ấp, uy hiếp an toàn tính mạng và tài sản của một hộ dân trong vùng và nhiều hộ dân lân cận khu vực sạt lở.
Qua khảo sát của ngành nông nghiệp, khu vực bờ sông Vàm Cỏ Tây có chiều dài khoảng 50m, độ lún tính từ mặt đất xuống đáy sông từ 4-6m, dạng hàm ếch, chiều rộng sạt lở từ mé sông vào trong đất liền từ 12-13m. Khu vực sạt lở còn xuất hiện nhiều vết nứt rộng từ 2-10cm, phạm vi xuất hiện vết nứt dài khoảng 160m, đang có khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở.
Tại khu vực bờ sông Cần Giuộc, đoạn cặp đường tỉnh 826C (từ Km6+600 đến Km6+670), xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc đã xảy ra sạt lở, chiều dài khoảng 70m, làm 8 ki-ốt của người dân sụp xuống sông; khu vực sạt lở đang có nhiều vết nứt từ sát nhà dân đến giữa đường nhựa 826C; vết nứt rộng khoảng 6-8cm, đất sát lề đường nhựa đã bị lún khoảng 8-10cm so mặt đường, tạo thành khung trượt ra ngoài sông Cần Giuộc, nguy cơ sẽ tiếp tục xảy ra sạt lở, đe dọa sự an toàn của các hộ dân đang sinh sống trong khu vực và ảnh hưởng kết cấu hạ tầng đường tỉnh 826C.
Sạt lở bờ sông Cần Giuộc, đoạn cặp đường tỉnh 826C (từ Km6+600 đến Km6+670), xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, Long An) vào ngày 9/6/2023. |
Để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã công bố tình huống và các biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra và chỉ đạo các địa phương sơ tán khẩn cấp người, tài sản ra khỏi khu vực sạt lở và khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở.
Ủy ban nhân dân tỉnh Long An chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Hóa và Cần Giuộc phối hợp các ngành chức năng khoanh vùng khu vực đang bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, thiết lập hành lang an toàn, tháo dỡ công trình, di dời nhà cửa, vật kiến trúc trong khu vực bị ảnh hưởng, lắp đặt biển cảnh báo tại vực sạt lở; ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở; bố trí cán bộ trực canh theo dõi diễn biến sạt lở và giữ gìn an ninh trật tự khu vực. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức lập phương án xử lý cấp bách, phê duyệt phương án và huy động lực lượng, vật tư xử lý cấp bách theo quy định pháp luật, bảo đảm an toàn đê, tính mạng nhân dân, tài sản của nhân dân và nhà nước.