Sạt lở, sụt lún đất tại Cà Mau và Long An

Ngày 27-8, UBND tỉnh Cà Mau có quyết định về tình huống khẩn cấp sạt lở đê Biển Tây trên địa bàn. Theo đó, bốn đoạn đê biển Tây ở hai huyện U Minh và Trần Văn Thời có chiều dài hơn 3,3 km được tỉnh đặt vào tình huống khẩn cấp, đặc biệt nguy hiểm, nguy cơ gây vỡ đê bất cứ lúc nào.

Ðoạn sạt lở 1.900 m từ Ba Tĩnh đến T25 trong bốn đoạn đê biển Tây ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: HỮU TÙNG
Ðoạn sạt lở 1.900 m từ Ba Tĩnh đến T25 trong bốn đoạn đê biển Tây ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Ảnh: HỮU TÙNG


UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các địa phương khoanh vùng khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm và có nguy cơ sạt lở nguy hiểm; lắp đặt biển cảnh báo, bố trí lực lượng trực canh, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; xây dựng phương án bảo vệ các trọng điểm, vị trí đê xung yếu; các địa phương vận động, sơ tán và di dời nhân dân ra khỏi khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm.

* Tại xã Tân Ân, huyện Cần Ðước (Long An), phần nền bên ngoài đường giao thông giáp với kênh 30-4 vừa xảy ra sụt lún với chiều dài gần 20 m, khiến mặt đường bị nứt đôi. Hiện nay, địa phương đã căng dây cảnh báo nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

* Ngày 27-8, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai có buổi làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang. Từ đầu năm đến nay, dông lốc làm sập, tốc mái hơn 300 nhà dân, ước thiệt hại gần 4,5 tỷ đồng. Ðoàn công tác đề nghị tỉnh cần quan tâm hơn nữa với việc ứng phó sạt lở bờ sông, dông lốc, xâm nhập mặn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

* Ngày 26-8, tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) xảy ra lốc xoáy làm chín nhà dân bị tốc mái và nhiều cây xanh bị gãy đổ. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng giúp nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của rìa đông nam vùng áp thấp phía tây kết hợp hiệu ứng phơn nên hôm nay (28-8), ở Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng diện rộng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35 đến 37oC, có nơi hơn 37oC. Dự báo, từ ngày 29-8, nắng nóng diện rộng chấm dứt ở Bắc Bộ, ở các tỉnh Trung Bộ nắng nóng giảm dần.

* Theo dự báo, nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm Thái Bình Dương tiếp tục lạnh hơn và có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina vào các tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021 với xác suất xảy ra khoảng 60%, nhưng có cường độ yếu và ít có khả năng kéo dài. Dự báo từ nay đến hết năm 2020, có khoảng bảy đến chín cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Ðông, trong đó có khoảng bốn đến năm cơn ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía nam.

* Cũng theo dự báo, từ nay đến cuối năm ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện bốn đợt triều cường cao. Trong đó, độ cao triều cường có thể chạm mốc kỷ lục vào ngày 18-10 nếu trùng với kỳ hoạt động của gió chướng sẽ gây ngập lụt cho khu vực ven biển Nam Bộ.

* Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay tại các tỉnh phía bắc có khoảng 213.000 ha lúa bị nhiễm sâu cuốn lá, cao gần gấp ba lần so với cùng kỳ vụ mùa năm 2019. Bộ đề nghị các địa phương hướng dẫn nhân dân phun thuốc phòng trừ sâu lứa 6 đang nở rộ. Ngoài ra, nhân dân không nên bón đạm đón đòng, vì lúa đã sinh trưởng và phát triển tốt. Nên bón thêm ka-li để hạt mẩy và chắc, nâng cao năng suất, chất lượng lúa.

* Tại tỉnh Thái Bình, hiện nay sâu cuốn lá lứa 6 đang nở rộ với tổng diện tích phát sinh ở hơn 78.000 ha. Ðiều đáng nói là có vùng mật độ sâu cuốn lá lên tới vài trăm con/m2. Hiện nay, ngành nông nghiệp tỉnh đang cử cán bộ xuống địa bàn hướng dẫn nhân dân phòng trừ.

* Tại Hải Phòng, hiện nay sâu cuốn lá non đang nở, nơi cao mật độ từ 70 đến 90 con/m2. Theo dự báo, thời gian tới sâu trưởng thành tiếp tục vũ hóa và đẻ trứng, sâu non tiếp tục nở và gia tăng mật độ, gây hại trên lúa giai đoạn làm đòng. Theo đó, diện tích ước phải phun trừ sâu cuốn lá nhỏ trên địa bàn khoảng 70% tổng diện tích gieo cấy.

* Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu đang thả nuôi gần 120.000 ha tôm, đạt gần 100% kế hoạch. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay đã có hơn 8.600 ha tôm nuôi bị chết, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi. Ðể hạn chế thiệt hại, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân nuôi tôm theo hướng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, gắn với bảo vệ môi trường; xử lý tôm nuôi bị dịch bệnh.

* Hiện nay, tổng đàn lợn của tỉnh Ðồng Nai đạt gần 2,1 triệu con. Với việc tái đàn chậm, khả năng cuối năm 2020, tỉnh sẽ không đạt được mục tiêu đưa tổng đàn lợn lên 2,5 triệu con. Ðể cải thiện nguồn cung, tỉnh đang khuyến khích các cơ sở sản xuất lợn giống phát triển đàn, nhất là đàn giống ông bà, bố mẹ để cung cấp con giống cho người chăn nuôi.

* Từ ngày 20 đến ngày 27-8, tại tỉnh Kon Tum có gần 200 con gia súc bị mắc bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, cơ quan chức năng đang tập trung khoanh vùng, cách ly và xử lý triệt để các ổ dịch, không để lây lan rộng.