Vào giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đứng trước muôn vàn khó khăn, gian khổ và cam go, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Với ngôn từ giản dị, dễ hiểu nhưng sâu sắc, lôi cuốn lòng người, Lời kêu gọi thi đua ái quốc đã trở thành lời hiệu triệu của non sông, có sức lan tỏa sâu rộng, khơi dậy tinh thần yêu nước của mọi người dân Việt Nam, hình thành nên phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, góp phần đưa công cuộc “kháng chiến, kiến quốc” đi đến thắng lợi hoàn toàn.
70 năm đã trôi qua nhưng âm hưởng của Lời kêu gọi thi đua ái quốc vẫn còn lay động, với tính thời sự sâu sắc, vẹn nguyên những giá trị đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Thứ nhất, Lời kêu gọi thi đua ái quốc là nét đặc sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh, thể hiện sự sáng tạo trong phương cách lãnh đạo của Đảng ta, nhằm khơi dậy sức mạnh vĩ đại của toàn dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (1). Trải qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, truyền thống quý báu đó được hun đúc, tôi luyện thành chủ nghĩa yêu nước cách mạng; là đạo lý, là giá trị và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn cho rằng, chủ nghĩa yêu nước không nên chỉ là báu vật được cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta là làm cho những báu vật đó được đưa ra trưng bày, nghĩa là phải ra sức tuyên truyền, khơi dậy, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước (2). Bởi vậy, yêu nước trở thành mục tiêu, là động lực mạnh mẽ và lý tưởng nhân văn sâu sắc của thi đua: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất” (3).
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hình thành từ đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện của Đảng ta, trên nền tảng mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Bằng bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn xa, Người đã lấy chủ nghĩa yêu nước làm trọng tâm để xây dựng khối đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, dù khác biệt về địa vị, dân tộc, tôn giáo, già trẻ, gái trai; dù ở trong nước hay ở nước ngoài. Người đã khơi dậy “lực lượng vô tận của dân tộc ta”; “lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta” (4), để phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc với niềm tin sắt đá: “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, Ta nhất định thắng, địch nhất định thua” (5).
70 năm qua, phương châm gắn thi đua với yêu nước đã được thực hành, phát triển và nâng lên thành một nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trở thành một phương thức lãnh đạo hết sức sáng tạo, độc đáo của Đảng ta, nhằm nhân sức mạnh tinh thần và vật chất vô cùng to lớn của dân tộc ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu tại lễ mít-tinh kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc đã khẳng định: “Thi đua đã thực sự trở thành một động lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác” (6).
Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện hệ thống lý luận về thi đua yêu nước, về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi đua yêu nước phù hợp với thực tiễn mới, khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đổi mới.
Thứ hai, Lời kêu gọi thi đua ái quốc khởi đầu cho phong trào yêu nước, là động lực xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới
Từ Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đã dấy lên các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi. Lịch sử cách mạng Việt Nam qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất cho Tổ quốc, qua thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và trên cả nước sau Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã in đậm hình ảnh các phong trào thi đua trên khắp các mặt trận, từ tiền tuyến đến hậu phương, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược; trên khắp các lĩnh vực; ở mọi tầng lớp nhân dân, các ngành, các cấp.
Nối tiếp truyền thống cách mạng vẻ vang đó, hơn 30 năm qua các phong trào thi đua yêu nước thiết thực, mang tinh thần Đổi mới đã được phát động rộng khắp. Nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến, nhiều anh hùng lao động đã được vinh danh bởi sự cống hiến, sáng tạo trong lao động sản xuất, học tập và chiến đấu. Đây là những minh chứng rõ ràng nhất của “tinh thần thi đua ái quốc”, biểu hiện rõ ràng nhất cho nét đẹp của hệ giá trị văn hóa Việt Nam, cho giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Những điển hình tiên tiến xuất hiện trong các phong trào thi đua yêu nước không phải biểu hiện chỉ ở những thành tích cá nhân. Vượt lên chính bản thân mình, họ là những tấm gương “vì nước, vì dân” - phẩm chất ưu tú được hình thành từ sự giáo dục tư tưởng của Đảng, từ niềm tin vào lý tưởng cách mạng, từ sự giúp đỡ của tập thể, rèn luyện của công việc và chỉ bảo, dạy dỗ của nhân dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Có anh hùng là vì có tập thể anh hùng. Có tập thể anh hùng là vì có nhân dân anh hùng, dân tộc anh hùng, Đảng anh hùng” (7).
Phong trào thi đua không phải chỉ cốt lấy thành tích, mang tính hình thức, mà phải tiến hành liên tục, lâu dài, hướng tới lợi ích thiết thực. Bởi vậy, “công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua” (8), thi đua không nhất thiết phải đưa ra những mục tiêu to lớn, cao siêu, càng không phải là việc cao hứng nhất thời; thi đua chính là việc mỗi người nỗ lực làm tốt hơn công việc hằng ngày của chính mình.
Thi đua còn là một phương cách tốt để mọi người giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, để quần chúng nhân dân hăng hái tham gia vào đời sống thực tiễn, tôi luyện và trưởng thành. Thi đua xã hội chủ nghĩa giúp cải tạo con người, nhằm xây dựng những nhân tố tiên tiến, nâng đỡ những người kém cỏi, làm cho mọi người giỏi hơn, tốt đẹp hơn. Như thế, “thi đua không phải là tranh đua” mà là việc “người đi trước hiểu biết, dẫn người đi sau, làm cho mọi người cùng tiến bộ” (9).
Thấm nhuần những tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần khẳng định, phong trào thi đua yêu nước là đường lối cách mạng đúng đắn nhằm huy động nguồn lực to lớn cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam, do nhân dân Việt Nam chúng ta thực hiện. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - với những chỉ dẫn soi đường để hành động vì mục tiêu: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm trong thời kỳ kháng chiến, kiến quốc và hơn nữa là thực hiện nguyện ước của Người về: dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc (10), thôi thúc phong trào yêu nước của chúng ta vì khát vọng, tầm nhìn phát triển Việt Nam để được tiếp thêm sức mạnh và cảm hứng cho mọi sự đổi mới, sáng tạo và phát triển trong giai đoạn tới.
Thứ ba, Lời kêu gọi thi đua ái quốc là chỉ dẫn quý giá đối với phong trào thi đua yêu nước hiện nay
Trước hết, lực lượng và cách thức thi đua ái quốc phải dựa vào “Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân” (11), “Làm cho mau, Làm cho tốt, Làm cho nhiều” (12), làm cho phong trào thi đua ái quốc “ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân” (13); phải tập hợp lực lượng một cách rộng rãi, động viên, khuyến khích, lôi cuốn được mọi người cùng tự nguyện tham gia, đồng sức, đồng lòng phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị trên từng vị trí công tác. Với lời dạy đó, chúng ta càng ý thức được vai trò và sức mạnh của nhân dân đối với sự thành công của phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ Đổi mới.
Hai là, phong trào thi đua yêu nước “phải cụ thể, phải kịp thời, phải thiết thực, phải có trọng điểm và nắm điển hình” (14), bảo đảm tính thường xuyên, lâu dài và hiệu quả. Thi đua yêu nước phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, kết hợp mục tiêu, lợi ích trước mắt với mục tiêu, lợi ích lâu dài. Thi đua ngắn ngày hay dài ngày, từng đợt hay nhiều đợt... đều phải có sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả. Như vậy, việc phát động thi đua mới có ý nghĩa, mới tìm ra, cổ vũ và nêu gương những cá nhân tích cực, sáng tạo, những tập thể biết đoàn kết khắc phục khó khăn để trở thành điển hình tiên tiến. Cần nhân rộng những mô hình hay, những cách làm tốt, những tấm gương điển hình tiên tiến, như lời Người đã dạy: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” (15).
Ba là, tiếp tục tinh thần phê phán tư tưởng thi đua hình thức, khoa trương “phát” mà không “động”, hoặc lối làm ăn kiểu “đánh trống bỏ dùi”; “đầu voi đuôi chuột”, “nói thì hay mà làm thì dở”. Lãnh đạo các cấp, các ngành khi phát động thi đua phải tổ chức tuyên truyền, theo dõi, kiểm tra đôn đốc; tổng kết đánh giá và rút kinh nghiệm; kịp thời động viên khen thưởng các cá nhân tập thể đạt được nhiều thành tích, kỷ luật những người vi phạm, phê bình những người chưa hăng hái, hoặc thường coi thi đua, coi thi đua chỉ mang hình thức.Từ phong trào thi đua, phải chỉ ra được những cá nhân thiếu tích cực, yếu kém, những tập thể mất đoàn kết, làm ăn không có hiệu quả, để từ đó có giải pháp khắc phục.
Kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc là dịp để chúng ta trở lại với những chỉ dẫn của Người nhằm chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng hiện nay. Chúng ta có sứ mệnh lan tỏa tinh thần thi đua ái quốc bằng những hành động thiết thực với việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; học tập và triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Đảng được ban hành trong thời gian gần đây như các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về tổ chức bộ máy và về công tác cán bộ, góp phần tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.381
(2) Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (11-2-1951), trong: Hồ Chí Minh: Vì độc lập, tự do vì chủ nghĩa xã hội, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1976
(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.407
(4) Lời kêu gọi thi đua ái quốc (Viết ngày 11-6-1948, Báo Cứu quốc, chi nhánh số 6, số 968, ngày 24-6-1948), Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, Tập 5, tr.556
(5) Bài nói tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc (Nói ngày 1-5-1952. Báo Nhân Dân, số 57, ngày 8-5-1952), Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 7, tr.402
(6) Bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ mít-tinh kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Hà Nội, ngày 3-6-2018
(7) Phát biểu tại buổi tiếp đại biểu các đơn vị anh hùng và chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước ngày 2-1-1967; đăng trên Báo Nhân Dân, số 4660 ngày 10-1-1967, Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 15, tr.263
(8) Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công (Báo Sự thật, số 116, ngày 1-8-1949), Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 6, tr.167
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, tập 10, tr.479
(10) Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 5
(11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 5, tr.556
(12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, sđd, tập 5, tr.556
(13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.557
(14) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 8, tr.92
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002. Tập 1, trang 263