Ngày 17-9-2006, Ban chỉ huy quân sự huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đón đoàn thân nhân gia đình liệt sĩ gồm một số gia đình từ Hà Tĩnh, Thanh Hóa đến, xin được giúp đỡ trong quá trình tìm kiếm, cất bốc và quy tập liệt sĩ trên địa bàn.
Đoàn thân nhân đi tìm mộ liệt sĩ lần này có một số gia đình: ông Nguyễn Đình Nhu (68 tuổi, địa chỉ: Số 51Trần Phú, thị xã Hà Tĩnh) tìm mộ người em trai là liệt sĩ Nguyễn Hữu Điền, hy sinh năm 1968 tại chiến trường Quảng Trị; ông Nguyễn Văn Tuệ (Công ty cổ phần mía Lam Sơn - Thanh Hóa), thân nhân của liệt sĩ Nguyễn Văn Tám; ông Nguyễn Đình Thanh (44 tuổi, cán bộ Đội cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh). Trong đoàn còn có hai ông Đặng Xuân Ba (sinh năm 1930, quê quán: huyện Xuân Trường - Nam Định; cán bộ quân đội nghỉ hưu tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) và Nguyễn Đình Mai (sinh năm 1935, cán bộ Hội CCB tỉnh Lâm Đồng), là những người được coi là các "nhà ngoại cảm" nổi tiếng trong nước, được các gia đình thân nhân liệt sĩ mời đi cùng để tìm mộ.
"Danh tiếng" của hai "nhà ngoại cảm" này đã từng biết đến qua rất nhiều lần tìm mộ liệt sĩ thành công, nhất là lần tìm mộ anh hùng liệt sĩ Lê Xuân Phôi - tiểu đoàn trưởng d8 - e66 - f304, hy sinh ngày 17-11-1965 tại thung lũng Ia Đrăng, xã Chư-pông, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Một tờ báo lớn đã có bài và ảnh phản ánh cuộc đi tìm mộ này... Các thân nhân liệt sĩ được anh Lương, là con rể của liệt sĩ Lê Xuân Phôi giới thiệu về khả năng tìm mộ chính xác của hai "nhà ngoại cảm", đã tổ chức thuê xe ô-tô về Hướng Hóa, bắt đầu cuộc tìm kiếm...
Thiếu tá Biền Văn Sự, người được Ban chỉ huy quân sự phân công hướng dẫn, giúp đỡ dẫn đoàn thân nhân liệt sĩ (có cả ông Ba và ông Mai) đến xã Húc...
Ngày thứ nhất (18-9-2006), theo chỉ dẫn của ông Ba và ông Mai, đoàn đã tìm thấy hai mộ liệt sĩ thực chất là tìm thấy hai lọ Penecilin đựng các mảnh giấy có các thông tin họ, tên, quê quán liệt sĩ và một ít xương. Tối hôm đó, sau khi xin xác nhận của cơ quan chức năng huyện, thân nhân liệt sĩ vừa tìm thấy đã mang về quê Thanh Hóa để mai táng...
Việc tìm thấy các hài cốt liệt sĩ quá dễ dàng, đơn giản đã khiến lãnh đạo, chỉ huy Ban CHQS huyện Hướng Hóa nghi hoặc. Thượng tá Đỗ Xuân Hiệp, chính trị viên đã chỉ đạo cán bộ đi cùng đoàn cảnh giác, khôn khéo, kịp thời phát hiện các hành vi dối trá, lừa đảo, nếu có.
Ngày 19-9-2006.
Trích Bản tường trình của ông Nguyễn Văn Tuệ, thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Tám: "Sáng nay, chúng tôi được ông Đặng Xuân Ba dẫn đến bản Pa-nang, huyện Đakrông, Quảng Trị, ông Ba chỉ vị trí đào tìm cho gia đình tôi ở dưới chân núi, cách vị trí đào tìm của gia đình bác Nhu khoảng 5- 6m. Chúng tôi đào hố kích thước 1,2x0,9m, chiều sâu đáng kể nhưng không tìm thấy gì. Sau đó ông Ba đi đến bên cạnh hố, cầm lấy một cục đất to, tay phải bẻ cục đất ra khoảng một nắm rồi cho cả tay và cục đất vào trong túi quần bên phải. Sau đó, ông Ba rút tay ra cùng nắm đất đó, hai tay xoa đều, thấy cái lọ Penecilin cùng với nắm đất. Lọ bọc bằng ni lông mầu xanh, cổ lọ cuộn dây dù. Mở nắp lọ ra thì có mảnh giấy ghi tên liệt sĩ Nguyễn Văn Tám, quê: xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, đơn vị: F324, viết bằng bút bi mầu tím còn rõ chữ. Tôi quan sát thấy hiện tượng trên, có sự nghi vấn, nên dừng việc đào tìm làm giấy này báo cáo Ban CHQS, công an huyện Hướng Hóa...".
Trích Bản tường trình của ông Nguyễn Đình Nhu: "... Khoảng 11giờ trưa, ông Ba vào vùng đất gần suối, chỉ vị trí cho anh em tôi đào mộ... Tôi có thuê hai người dân tộc đào, đào khoảng 0,7m, ông Ba bốc một vốc đất bỏ xuống chỗ đất mới đào lên, sau đó, Nguyễn Đình Lộc (con trai tôi) phát hiện một lọ Penecilin, Lộc nghi ngờ là do ông Ba bỏ xuống. Trong lọ có bao ni lông bọc một mảnh giấy nhỏ, ghi đúng tên họ và địa chỉ em tôi (Nguyễn Hữu Điền, quê Kỳ Tây, Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Sau đó tìm ở đất vừa đào lên có một ít xương đen vụn. Tôi nghi giấy trong lọ mới viết bỏ vào và xương thì nghi là xương súc vật. Vì nơi chôn liệt sĩ tại sao lại không có hiện vật như tăng bọc thi hài, cúc áo,v.v. là những thứ khó phân hủy. Tôi cho rằng đây là việc lừa đảo...
Sau khi sự việc xảy ra, thiếu tá Biền Văn Sự và các gia đình thân nhân liệt sĩ đã ngừng việc đào tìm và yêu cầu hai "nhà ngoại cảm" về cơ quan quân sự huyện làm sáng tỏ sự việc. Tại khách sạn Khe Sanh, nơi cả đoàn trú chân, Ban CHQS phối hợp với cơ quan công an huyện lập biên bản kiểm tra hành lý của hai ông Đặng Xuân Ba và Nguyễn Đình Mai, phát hiện trong hành lý của hai ông này có sáu lọ Penecilin, bên ngoài mỗi lọ có bọc ni lông mầu xanh, trong đó, có bốn lọ buộc dây dù, ngoài vỏ có dán các mảnh giấy, ghi: Diễn, Hợi, Tước, Trung (?). Hành lý của "hai nhà ngoại cảm" này còn có 14 túi ni lông mầu trắng đựng xương vụn (chín túi xương mầu đen và năm túi xương mầu đen bạc), 13 mảnh giấy trắng cỡ 2 x 4cm, ba mảnh có ghi tên: Ninh Văn Quang, Nguyễn Hữu Điền, Lê Viết C... Theo các thân nhân liệt sĩ, những lọ Penicilin, xương, mảnh giấy ghi tên liệt sĩ trong hành lý mang theo của ông Ba, ông Mai rất giống với những thứ tương tự tìm thấy trong các hố đào tìm mộ liệt sĩ vừa rồi...
Rõ ràng, căn cứ vào những dữ liệu do các thân nhân liệt sĩ, cơ quan quân sự, cơ quan công an huyện Hướng Hóa cung cấp, chúng tôi có thể khẳng định đây thực chất là một vụ lừa đảo tìm mộ liệt sĩ, do hai ông Đặng Xuân Ba và Nguyễn Đình Mai thực hiện.
Theo tin chúng tôi mới nhận được, qua đấu tranh bước đầu hai "nhà ngoại cảm" đã thừa nhận hành vi sai trái của mình và cơ quan chức năng đã có quyết định khởi tố vụ án, mở rộng điều tra trên địa bàn cả nước nhằm xác minh, làm rõ, kết luận chính xác về tất cả các trường hợp hài cốt liệt sĩ do các "nhà ngoại cảm" này "tìm thấy" trong những năm qua.
Tường trình chi tiết một câu chuyện đau lòng về tìm hài cốt liệt sĩ ở Khe Sanh, Hướng Hóa (Quảng Trị), mong gửi đến những thân nhân, gia đình chưa tìm được hài cốt liệt sĩ lời chia sẻ nỗi đau. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường các biện pháp quản lý hành chính đối với những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học nghiên cứu tiềm năng của con người, lĩnh vực ngoại cảm để hạn chế và loại trừ những sự việc đau lòng tương tự như trên.