Lo nguồn cung thắt chặt, giá dầu bật tăng

NDO - Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa hôm qua 27/9, mặc dù cả ba nhóm nông sản, nguyên liệu công nghiệp và kim loại đồng loạt chịu sức ép bán; nhưng lực mua mạnh mẽ từ nhóm năng lượng đã kéo chỉ số hàng hóa MXV-Index đảo chiều tăng 0,54% lên 2.288 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 3.400 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Đáng chú ý, toàn bộ mặt hàng năng lượng có mức tăng đáng chú ý và là động lực đẩy chỉ số hàng hóa đi lên trở lại trong ngày hôm qua. Trong đó, dầu thô là tâm điểm quan tâm của thị trường.

Lo nguồn cung thắt chặt, giá dầu bật tăng ảnh 1

Kết thúc ngày giao dịch 27/9, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 11 ghi nhận mức tăng theo ngày mạnh nhất kể từ đầu tháng 5, đóng cửa ở mức giá 93,68 USD/thùng sau khi tăng 3,64%. Giá dầu Brent cùng kỳ hạn vượt mốc 96 USD/thùng trước thời điểm đáo hạn. Trong khi đó, Brent kỳ hạn tháng 12 với khối lượng giao dịch nhiều hơn kết thúc phiên tăng 2,09% lên mức 94,36 USD/thùng. Chênh lệch rõ rệt giữa 2 kỳ hạn cho thấy nguồn cung thắt chặt trong ngắn hạn.

MXV nhận định, trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu suy yếu, sự sụt giảm tồn kho dầu tại Mỹ đã làm gia tăng rủi ro thiếu hụt dầu và đẩy giá dầu bật tăng mạnh mẽ trong phiên hôm qua.

Lo nguồn cung thắt chặt, giá dầu bật tăng ảnh 2

Báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, tồn kho dầu thương mại Mỹ giảm mạnh 2,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 22/9, đưa tồn kho về mức 416,3 triệu thùng. Con số này trái ngược với báo cáo tăng 1,6 triệu thùng từ Viện Dầu khí API và lớn hơn dự báo giảm của thị trường.

Trong khi đó, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma đang ở mức thấp nhất trong 14 tháng do nhu cầu lọc và xuất khẩu mạnh.

Dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô tại Cushing, trung tâm lưu trữ, điểm phân phối dầu thô kỳ hạn của Mỹ, giảm 943.000 thùng trong tuần xuống chỉ dưới 22 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022. Các nhà giao dịch cho biết, kho chứa dưới 20 triệu thùng, hoặc từ 10% đến 20% trong tổng công suất hơn 98 triệu thùng của Cushing, được coi là gần mức hoạt động tối thiểu và khi đó, chất lượng dầu sẽ khó bảo đảm và có thể không sử dụng được. Hiện tại, tồn kho đang hoạt động ở khoảng 25% công suất.

Điều này đã làm gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung vật chất trên thị trường và là nguyên nhân chính thúc đẩy giá tăng mạnh trong ngày hôm qua.

Nhập khẩu dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng 0,71 triệu thùng/ngày lên mức 7,23 triệu thùng, phản ánh nhu cầu tiếp tục mạnh mẽ.

Ngoài ra, Reuters cho biết, xuất khẩu sản phẩm dầu của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng trong tháng 10 do các nhà máy lọc dầu quốc doanh tận dụng lợi nhuận cao và nhu cầu của phương Tây, trong khi số lượng chuyến bay quốc tế có dấu hiệu phục hồi. Điều này cũng sẽ làm gia tăng nhu cầu dầu thô phục vụ cho hoạt động lọc dầu của các nhà máy.

Cụ thể, xuất khẩu xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay của Trung Quốc dự kiến đạt 4,02 triệu tấn trong tháng 10. Trong đó, xuất khẩu nhiên liệu máy bay của Trung Quốc dự kiến đạt 1,63 triệu tấn, xuất khẩu xăng dự kiến đạt 1,14 triệu tấn và xuất khẩu dầu diesel dự kiến đạt 1,25 triệu tấn.

Theo dữ liệu từ Công ty theo dõi tàu Kpler, xuất khẩu sản phẩm dầu của Trung Quốc trong tháng 9, chưa bao gồm nhiên liệu bay, đạt khoảng 2,38 triệu tấn.