Nằm cách bán đảo Đồ Sơn gần 1km, Hòn Dấu như một viên ngọc được bao bọc bởi chín ngọn núi như chín con rồng đang hướng đầu về. Từ xa xưa, Hòn Dấu được coi là vùng đất thiêng. Theo truyền thuyết kể lại, vào đời nhà Trần, sau trận thủy chiến với quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng, các ngư dân của vạn chài Đồ Sơn khi đó phát hiện thi thể một vị tướng nhà Trần hy sinh trôi dạt vào đảo. Hôm sau, khi mọi người ở vạn chài trong đất liền ra làm lễ mai táng, thì ngay tại chỗ ngài nằm, mối đã đùn lên bao quanh thành mộ.
Người dân vạn chài bèn lập miếu thờ, thành kính hương khói. Tương truyền, trong một dịp kinh lý ngang qua đảo, thuyền của vua triều Nguyễn bất ngờ gặp sóng to, gió lớn nên cho thuyền ghé đảo. Sau khi thắp hương, khấn vái tại miếu thờ nêu trên, thì trời quang, mây tạnh. Thấy ngôi đền linh thiêng, vua liền ban chiếu phong là Nam Hải Thần Vương.
Hòn Dấu còn mang trong mình nhiều huyền tích. Các cư dân vạn chài nơi đây đã lưu truyền từ đời này sang đời khác về sự linh ứng của thần đảo. Có lẽ vì thế mà từng hòn đá, cái cây nơi đây không bao giờ bị lấy đi và vẻ hoang sơ kỳ vĩ của Hòn Dấu được lưu giữ qua thăng trầm lịch sử hàng thế kỷ qua. Năm 2009, Hòn Dấu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận và xếp hạng Di tích-Danh lam thắng cảnh quốc gia.
Hằng năm, cứ vào dịp đầu tháng 2 âm lịch, nhằm ngày giỗ của Nam Hải Thần Vương, không chỉ người dân vạn chài Đồ Sơn, mà đông đảo cư dân ven biển Bắc Bộ lại quần tụ về chốn linh thiêng này cùng nhau tưng bừng mở hội, cầu cho quốc thái, dân an, cầu mong thần Nam Hải luôn che chở, bảo vệ ngư dân có những chuyến biển an toàn, khởi đầu một năm mới mưa thuận, gió hòa, cư dân làm ăn phát đạt...
Đặc biệt, đêm chính hội mồng 9 tháng 2 âm lịch với nghi lễ chính thức diễn ra lúc 23 giờ đêm. Đồ lễ có nhiều thứ, nhưng không thể thiếu các đoàn tàu thuyền bằng mã trang trí rực rỡ được người dân đưa ra làm lễ tại đền. Đồ lễ ở đây không hóa (đốt), mà đến nửa đêm được thả ra biển để tỏ lòng biết ơn của cư dân vạn chài với Nam Hải Thần Vương đã luôn che chở, bảo vệ,…
Với truyền thống lâu đời, lễ hội Hòn Dấu không chỉ gắn với giá trị văn hóa tâm linh của người dân vạn chài Đồ Sơn nói riêng, miền biển Bắc bộ nói chung, mà còn mang tâm nguyện của các tầng lớp nhân dân trong giữ gìn, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người miền biển. Thăm Hòn Dấu, du khách còn được tham quan, chiêm ngưỡng cảnh đẹp của hệ thống rừng nguyên sinh, ngọn hải đăng thuộc loại lâu đời nhất Việt Nam.
Được người Pháp xây dựng năm 1898 ở vị trí cao nhất của đảo, hải đăng như một pháo đài cổ sừng sững với đỉnh đèn cao 140m so với mặt nước biển. Tồn tại qua hơn 100 năm, hải đăng Hòn Dấu không chỉ dẫn đường cho tàu bè vào cảng, qua lại trên luồng biển Hải Phòng, mà còn là bảo tàng lịch sử trên đảo. Không có làn nước xanh ngắt, bãi cát trắng mịn màng, nhưng cảnh quan hoang sơ thấm đẫm những câu chuyện huyền bí đã tạo nên sức hút đặc biệt của đảo Hòn Dấu với du khách gần xa.