Từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã trải qua 12 lần điều chỉnh giá (9 lần tăng và 3 lần giảm), tổng mức tăng hơn 6.000 đồng/lít đối với xăng Ron 95 và 5.800 đồng/lít với xăng E5 Ron 92. Việc điều chỉnh giá xăng dầu hoàn toàn phù hợp quy luật thị trường, giúp giá xăng dầu trong nước tiệm cận với giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, một trong những “van” điều tiết về giá, trên thực tế đã chưa thật sự phát huy hiệu quả và đáp ứng kỳ vọng của đông đảo người dân.
Không thể phủ nhận mặt tích cực khi sử dụng quỹ đã giúp giá xăng dầu trong nước không bị tăng sốc trước diễn biến bất thường của giá xăng dầu thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Thế nhưng, khi giá dầu thế giới giảm, việc phải trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã khiến người tiêu dùng không được hưởng lợi ngay khi giá giảm. Thậm chí, nhiều đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu, cơ quan điều hành thực hiện ngừng chi quỹ nhưng vẫn duy trì trích lập ở mức cao, thay vì giảm mức trích lập để hạ giá xăng dầu trong nước với lý do phải bù đắp phần âm quỹ đã được “xả” trước đó.
Về bản chất, nguồn tiền hình thành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu chính là số tiền mà người tiêu dùng trích ra từ giá xăng dầu để cơ quan nhà nước sử dụng làm công cụ điều hành phù hợp với diễn biến thị trường. Khi giá dầu thế giới tăng cao, cơ quan điều hành sẽ chi quỹ nhằm điều tiết mức tăng phù hợp và ngược lại, khi giá dầu thế giới giảm, mức trích lập sẽ được áp dụng nhằm bù đắp phần bị âm hoặc giúp tăng quỹ. Song trên thực tế, khi giá thế giới tăng, doanh nghiệp phải “gồng mình” chi quỹ, còn khi giá giảm, người tiêu dùng không được mua xăng dầu với giá thấp, gây không ít bức xúc trong dư luận. Trong đó, phần lớn ý kiến cho rằng nên xóa bỏ quỹ, bởi trên thực tế giá xăng dầu trong nước đang bám sát theo giá xăng dầu thế giới.
Do đó, đã đến lúc chúng ta để mặt hàng xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường và người tiêu dùng hoàn toàn chấp nhận sự tăng, giảm khi mức giá được điều chỉnh theo thị trường. Số liệu thống kê của Bộ Công thương cho thấy, việc liên tục chi sử dụng và ngừng trích lập hoặc trích lập quỹ ở mức thấp (100-300 đồng/lít xăng, dầu) khiến quỹ bị âm, nhiều doanh nghiệp bị âm quỹ với mức lớn. Tính đến ngày 12/4, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) bị âm 382 tỷ đồng; Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) âm gần 1.100 tỷ đồng,... Việc bị âm quỹ liên tục đã gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là ở những thời điểm giá xăng dầu biến động khó lường và nguồn cung gặp khó khăn.
Việc vận hành quỹ chỉ có thể phát huy trong một số thời điểm nhất định, nếu giá xăng dầu thế giới tăng “thẳng đứng” sẽ không có quỹ nào trợ giá mãi được. Với diễn biến khó lường của giá dầu thế giới hiện nay, các cơ quan quản lý cần xem xét, nghiên cứu xóa bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để tăng tính chủ động, linh hoạt trong điều chỉnh giá, để giá xăng dầu trong nước vận hành theo giá thế giới. Ngoài ra, cần nâng cao dự báo cũng như năng lực dự trữ xăng dầu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, các bộ, ngành chức năng chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu hai nhà máy lọc dầu
Nghi Sơn và Dung Quất hoạt động đúng cam kết, đạt công suất thiết kế để bảo đảm ổn định nguồn cung trong nước, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của giá dầu thế giới nhằm bình ổn giá trên thị trường.