Sáng 7/9, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã chủ trì họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ giải ngân các dự án giao thông.
Theo báo cáo cập nhật đến ngày 6/9, lũy kế đến hết tháng 8/2022, Bộ Giao thông vận tải dự kiến giải ngân được 22.195 tỷ đồng, đạt 44,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (gồm 2.638 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 54,1% và 19.557 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 43%). Đây là kết quả thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của các Ban Quản lý dự án và Sở Giao thông vận tải các địa phương.
“Mặc dù kết quả giải ngân hết tháng 8/2022 của Bộ cao hơn bình quân chung của các bộ, cơ quan Trung ương (32,36%) và bình quân chung cả nước (39,15%), nhưng vẫn chậm so kế hoạch đã đề ra khoảng 905 tỷ đồng và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (52%)”, người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải tỏ ra vẫn chưa thật sự hài lòng.
Chỉ đạo một số giải pháp nâng cao hiệu quả giải ngân trong 4 tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phải lăn xả, giải quyết các vướng mắc mặt bằng, chủ động điều chuyển, cắt hợp đồng với nhà thầu yếu kém.
Bộ trưởng kiên quyết: “Một số nhà thầu triển khai chậm, phải ký văn bản cảnh cáo thật nghiêm, đưa vào diện xem xét đặc biệt, không xuê xoa, nương nhẹ”, Trong thời gian tới đây, khối lượng công việc còn tăng 30-40%, cần phải có con người năng động, có những cách làm mới, sáng tạo, vướng ở đâu tìm cách xử lý ở đó. Nếu đi theo lối mòn của những năm trước, sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt quan tâm đến 4 dự án thành phần cao tốc bắc-nam có kế hoạch hoàn thành trong năm 2022, theo Bộ trưởng, hiện, các dự án bước vào giai đoạn thảm nhựa cần rất nhiều tiền. Ban Quản lý dự án cần tham mưu, ban hành cơ chế giải ngân linh hoạt hơn nữa. “Trường hợp cần thiết, phải có cơ chế giải ngân từ 7-15 ngày/lần thay vì giải ngân theo tháng. Phải xem xét cơ chế tạm ứng, hỗ trợ có hiệu quả về nguồn lực tài chính cho nhà thầu huy động máy móc, thiết bị, đưa dự án về đích đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Đối với dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn 2, Bộ Giao thông vận tải đã phân khai 4.985 tỷ đồng, các Ban Quản lý dự án phải khẩn trương làm việc với 12 địa phương, xác định rõ số vốn bố trí cho địa phương là bao nhiêu, với số tiền ấy, địa phương ký thu hồi đất khu vực nào cho phù hợp.
Bộ trưởng cũng nêu vấn đề đáng lo ngại khi một số Ban Quản lý dự án của Bộ vẫn tiếp tục chậm kế hoạch giải ngân, như Ban Quản lý dự án 85, dự án Mỹ An-Cao Lãnh chưa trình phê duyệt dự án, công tác giải ngân gặp nhiều rào cản vướng mắc; dự án Cao Lãnh-Lộ Tẻ phải bố trí vốn bổ sung đường dân sinh, cầu, hàng rào,… cũng bị chậm.
Tương tự, Ban Quản lý dự án 2 chậm khoảng 5% so mức giải ngân bình quân chung của Bộ, các dự án do ban phụ trách đang triển khai đều chậm. Mặt khác, tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án mới cũng chưa đáp ứng yêu cầu, tuyến kết nối Hà Giang với cao tốc Hà Nội-Lào Cai là 1 trong 4 dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư; dự án cao tốc Chợ Mới-Bắc Kạn đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng vẫn chưa phê duyệt dự án.
Nhận trách nhiệm về sự chậm trễ giải ngân trong thời gian qua, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Thắng cho biết, việc chậm trễ trong giải ngân của Ban tập trung chủ yếu tập trung ở 2 dự án cao tốc bắc-nam, đoạn quốc lộ 45-Nghi Sơn và dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc. Trong đó, dự án cao tốc bắc-nam đoạn 45-Nghi Sơn gặp khó khăn lớn về mỏ đất, tập trung ở khu vực Nghi Sơn, đặc biệt là gói thầu XL03.
Đại diện Ban Quản lý dự án 2 và các nhà thầu đang tập trung làm việc với các sở, ngành địa phương, dự kiến từ ngày 15 đến 20/9, một số mỏ trong khu vực sẽ được cấp phép, ngay sau đó, khối lượng giải ngân tại dự án có thể đẩy nhanh trong tháng 9 và tháng 10.
“Riêng dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc, công tác đấu thầu rất chậm. Vướng mắc chủ yếu liên quan đến khiếu nại, khiếu kiện của các nhà thầu, nhất là tại 2 gói thầu số 3 và 10. Ban Quản lý dự án 2 đang cố gắng giải quyết thủ tục, báo cáo nhà tài trợ, căn cứ hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải để giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc”, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Thắng khẳng định.
Còn về phía địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đặc biệt chú ý đến Sở Giao thông vận tải thành phố Hải Phòng và các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Yên Bái, Hải Dương, Hưng Yên, Đồng Tháp, Thái Bình, Đắk Lắk. Tuy các địa phương này được bố trí vốn rất ít nhưng kết quả giải ngân vẫn thấp, kéo lùi tỷ lệ giải ngân của Bộ.
Theo ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, tính đến cuối tháng 8/2022, một số dự án chưa đáp ứng được kế hoạch giải ngân theo yêu cầu do giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà thầu chậm, gồm: dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc; cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ; vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch; dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga đoạn Vinh-Nha Trang; Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 30.
Các dự án chậm giải ngân do tiến độ thi công chưa đáp ứng yêu cầu, gồm: dự án tuyến tránh quốc lộ 1A qua Cà Mau; quốc lộ 45-Nghi Sơn; Diễn Châu-Bãi Vọt; Mỹ Thuận-Cần Thơ; tuyến tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột; Dự án quốc lộ 37 tỉnh Thái Bình và cầu sông Hóa; Dự án quốc lộ 21 đoạn Chợ Dầu-Ba Đa. Dự án chậm giải ngân do hồ sơ nội nghiệp chậm, gồm: dự án cao tốc bắc-nam đoạn Cam Lộ-La Sơn; dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh Nội Bài, đường cất hạ cánh Tân Sơn Nhất; Tuyến đường nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và dự án nâng cấp quốc lộ 57.