Anh Ma Đình Du, 34 tuổi, trú tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nhập viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên vào ngày 27-5 với biểu hiện nôn ói, đau bụng, khó thở và được chẩn đoán nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Trước đó một ngày, bệnh nhân Du và bệnh nhân Ma Doãn Vàng, trú tại xã Phú Đình cùng ăn thịt dê mắc bệnh khiến cả hai phải nhập viện cấp cứu. Mặc dù được bệnh viện điều trị tích cực, nhưng anh Du đã tử vong.
Ngay sau đó, bệnh nhân La Văn Hào, 49 tuổi ở xã Khe Mo, huyện Đồng Hỷ được đưa vào Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và chẩn đoán nhiễm khuẩn liên cầu lợn, đã tử vong. Như vậy, chỉ trong vòng một tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xảy ra hai vụ nhiễm khuẩn liên cầu lợn, làm ba người mắc, hai người tử vong.
Bác sĩ Lê Hùng Vương, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khuyến cáo: “Tất cả người dân không nên ăn thịt sống, tiết canh của động vật không rõ nguồn gốc. Thịt động vật cần được chế biến, nấu chín để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ăn chín, uống sôi để đề phòng bệnh tật nguy hiểm xâm nhập cơ thể. Hiện nay, khuẩn liên cầu lợn có diễn biến gia tăng nên chúng ta cần phải tự phòng tránh cho mình sẽ tốt hơn”.
Khuẩn liên cầu lợn là bệnh nguy hiểm, tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ ban đầu nhiễm khuẩn đã nặng, có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Nhóm người có sức đề kháng kém là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai hoặc nhóm người mắc bệnh mãn tính, người phải dùng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài đều có nguy cơ nhiễm bệnh liên cầu lợn.
Khí hậu nóng ẩm trong mùa hè là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Do đó, cơ quan y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân tự ý thức bảo vệ sức khỏe của chính mình bằng việc không ăn thực phẩm không có nguồn gốc, chưa được nấu chín.