Liên minh Kinh tế miền nam tiên phong đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong kinh doanh vận tải

Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với thách thức biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển bền vững, Liên hiệp Hợp tác xã Liên minh Kinh tế miền nam (Liên minh) đã khẳng định vai trò tiên phong của mình bằng việc đẩy mạnh chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trong kinh doanh vận tải, tạo bước tiên phong cho các ngành khác hướng tới nền kinh tế tri thức, phát triển bền vững. Đây là một bước đi quan trọng, không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế trong vận hành, điều hành vận tải hướng tới nền kinh tế tri thức Việt Nam.
Liên hiệp Hợp tác xã Liên minh Kinh tế Miền Nam và Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh GSM ký kết chương trình hợp tác chiến lược cho thuê và mua 5.000 xe ô-tô điện.
Liên hiệp Hợp tác xã Liên minh Kinh tế Miền Nam và Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh GSM ký kết chương trình hợp tác chiến lược cho thuê và mua 5.000 xe ô-tô điện.

Bước tiến hướng tới phát triển bền vững

Trong những năm gần đây, xu hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã trở thành hai yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của ngành vận tải. Trong bối cảnh toàn cầu đối mặt với các thách thức về biến đổi khí hậu và nhu cầu phát triển bền vững, ngành vận tải không chỉ cần tối ưu hóa hiệu quả hoạt động mà còn phải giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh chính là chìa khóa mở ra tương lai mới cho ngành công nghiệp vận tải.

Ngành vận tải là một trong những lĩnh vực phát thải lượng lớn khí nhà kính góp phần làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Trước tình hình đó, chuyển đổi xanh trong vận tải đã trở thành xu hướng tất yếu. Các doanh nghiệp vận tải đang dần chuyển sang sử dụng các phương tiện chạy bằng năng lượng sạch như xe điện, xe hybrid hoặc xe chạy bằng khí hydro để giảm lượng phát thải CO2.

Sự phát triển của xe điện là một trong những bước tiến quan trọng. Các hãng xe lớn như Vinfast và nhiều hãng khác đang dẫn đầu trong việc sản xuất các dòng xe điện hiện đại với khả năng vận hành bền bỉ, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm. Hơn nữa, việc xây dựng các hệ thống sạc điện công cộng và trạm sạc nhanh cũng đang được đầu tư mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của xe điện trong tương lai.

VinFast được biết đến là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất xe điện tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Được thành lập vào năm 2017, VinFast không ngừng phát triển và đổi mới công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về các giải pháp giao thông bền vững. VinFast tập trung vào việc cung cấp các mẫu xe điện phục vụ cho cả nhu cầu di chuyển cá nhân và vận tải công cộng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, VinFast cũng chú trọng đầu tư vào hạ tầng sạc điện, bao gồm việc xây dựng mạng lưới trạm sạc trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng trong việc sạc xe. Sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và dịch vụ khách hàng tận tâm đã giúp VinFast trở thành một biểu tượng trong ngành công nghiệp ô-tô điện.

Ngoài ra, các biện pháp tiết kiệm năng lượng khác như tối ưu hóa động cơ, giảm trọng lượng xe và sử dụng vật liệu tái chế trong sản xuất cũng đang được nghiên cứu và triển khai. Chuyển đổi xanh không chỉ giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường mà còn giúp doanh nghiệp vận tải tiết kiệm chi phí vận hành và tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Mặc dù chuyển đổi số và chuyển đổi xanh mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đối diện với không ít thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là chi phí đầu tư ban đầu khá cao, nhất là trong việc triển khai công nghệ mới và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, việc thay đổi thói quen và tư duy quản lý cũng là một trở ngại đối với nhiều doanh nghiệp vận tải truyền thống.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tiên phong. Với những công ty vận tải đã áp dụng thành công công nghệ số và giải pháp xanh, họ không chỉ có lợi thế cạnh tranh mà còn tạo ra sự khác biệt trên thị trường. Những doanh nghiệp này sẽ dẫn đầu trong cuộc đua cải tiến, thu hút khách hàng nhờ vào dịch vụ chất lượng cao và thân thiện với môi trường.

Liên minh Kinh tế miền nam tiên phong đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong kinh doanh vận tải ảnh 1

Lãnh đạo Liên hiệp Hợp tác xã Liên minh Kinh tế Miền Nam tham quan và giao lưu với Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh GSM tại Nhà máy sản xuất ô-tô điện Vinfast Hải Phòng.

Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số trong vận tải bằng xe điện

Ngày 22/7/2022 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải tại Quyết định 876/QĐ-TTg. Theo đó, mục tiêu đến năm 2040, Việt Nam sẽ dần hạn chế và tiến tới ngừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô-tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho thị trường nội địa. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân, xe vận tải công cộng và xe chuyên dụng, sẽ chuyển đổi sang sử dụng điện và năng lượng xanh.

Hướng ứng Quyết định Thủ tướng ban hành cùng với tầm nhìn phát triển bền vững, đã xác định rõ ràng mục tiêu chuyển đổi xanh trong vận tải, hướng tới việc sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, ngày 4/9/2024 vừa qua Liên minh đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh GSM (Công ty GSM) về việc thuê và mua 5.000 ô-tô điện Vinfast trong năm 2024, nhằm dần thay thế và tiến tới toàn bộ đội xe xăng hiện tại. Trong tương lai, Liên minh đặt mục tiêu chuyển đổi xanh toàn diện, thay thế 100% xe của các xã viên bằng xe điện, đồng thời đầu tư trạm sạc và các cơ sở vật chất cần thiết để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cho việc bảo dưỡng và sửa chữa phương tiện điện.

Hiện tại, với khoảng 55.000 xã viên, Liên minh chiếm khoảng 70% thị phần. Hiện nay, hàng ngàn xã viên của Liên minh cũng đang sử dụng xe VinFast để cung cấp dịch vụ trên các nền tảng đặt xe, đặc biệt là Xanh SM Platform.

Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là hai xu hướng không thể tránh khỏi trong thời đại hiện nay. Ngành vận tải, một trong những lĩnh vực gây ra lượng khí thải lớn cần có những thay đổi kịp thời để giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường. Liên minh với sự quyết tâm và chiến lược rõ ràng, đang tiến bước trên hành trình trở thành mô hình vận tải xanh và thông minh, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, để thúc đẩy hợp tác lâu dài trong thời gian sắp tới, nhận lời mời từ Vinfast, sáng 30/9/2024 Liên minh đã có chuyến thăm nhà máy VinFast tại Khu công nghiệp Đình Vũ, Cát Hải, Hải Phòng, không chỉ nhằm mục đích tìm hiểu quy trình sản xuất và công nghệ tiên tiến mà VinFast đang áp dụng mà còn là cơ hội để hai bên trao đổi về các chiến lược phát triển bền vững trong ngành vận tải đóng góp cho nền kinh tế tri thức và phát triển bền vững Việt Nam.

Tại đây, Chủ tịch Liên hiệp hợp tác xã Phát triển Kinh tế tri thức Việt Nam Nguyễn Xuân Cương và Chủ tịch Liên hiệp hợp tác xã Liên minh kinh tế miền Nam Trần Thanh Tuấn có buổi giao lưu với Chủ tịch tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và đại diện GSM Nguyễn Văn Thanh.

Liên minh đã có nhiều năm nghiên cứu và sẽ nghiên cứu bổ sung lý thuyết gắn với thực tế về kinh tế tri thức bằng mô hình liên minh kinh tế gắn với kinh tế tri thức dựa theo ba mũi nhọn nền kinh tế theo thế chân kiềng: Nông nghiệp-Tri thức -Ứng dụng công nghệ; Du lịch-Tri thức-Ứng dụng công nghệ; Công nghiệp-tri thức-ứng dụng công nghệ.

Mô hình liên minh kinh tế tri thức gắn với ứng dụng công nghệ dựa trên ba trụ cột chính:

(1) Nhà dân: Áp dụng mô hình hợp tác xã sử dụng toàn bộ sức dân về kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm cuộc sống; tài sản (đất đai, nhà cửa)…;

(2) Nhà nghiên cứu: Viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, trường dạy nghề từ trung cấp đến đại học nghiên cứu các dự án áp dụng vào thực tế. Các trường đại học, viện nghiên cứu được đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế trong nhà trường để giúp sinh viên được định hướng nghề nghiệp, học viên có được môi trường làm việc ngay trong thời gian học ở nhà trường và các tổ chức giáo dục đào tạo;

(3) Nhà đầu tư: Các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đầu tư kinh phí, mối quan hệ sản xuất, tư liệu sản xuất, bằng sáng chế, sáng kiến, kinh nghiệm thực thi các dự án.

Cả ba nhà liên minh với nhau ở mức cao hơn liên kết bằng việc gắn trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi chặt chẽ với nhau. Mô hình Liên minh áp dụng, chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức trong đó có kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…

Việc hợp tác giữa Liên minh và Công ty GSM lần này thể hiện xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực kinh doanh vận tải, mở ra nhiều triển vọng phát triển bền vững.