Nhiều năm qua, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm rau màu chủ lực trên địa bàn, các cấp, các ngành và địa phương ở Vĩnh Long đã ban hành và triển khai nhiều kế hoạch, chương trình, đề án tác động tích cực trong thực tế, mang lại hiệu quả cao…
Mở rộng vùng chuyên canh
Mấy năm gần đây, tại xã Ngãi Tứ (huyện Tam Bình) đã hình thành vùng chuyên canh rau màu quy mô lớn, có liên kết tiêu thụ sản phẩm, người dân yên tâm sản xuất. Hình ảnh dễ bắt gặp dọc trên những con đường vào sáng sớm là những giỏ rau màu được đặt trước nhà. Có nhà vài chục kg, vài trăm kg, thậm chí cả tấn rau màu được gia chủ để trong bọc theo số lượng đã báo trước, được gói bọc kỹ càng.
Ông Nguyễn Văn Tám, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã rau màu Ngãi Tứ (xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình), chia sẻ: “Mỗi ngày, hợp tác xã thu mua cả chục tấn rau màu. Chiều hôm trước, chúng tôi đến tận ruộng, hoặc điện thoại nắm thông tin về số lượng rau màu của người dân để sáng hôm sau đến nhận. Nhiều gia đình để sản phẩm trước nhà, hoặc người của chúng tôi đến tận ruộng để vận chuyển giúp”.
Ông Nguyễn Văn Lập ở ấp Bình Quý, xã Ngãi Tứ cho hay: “Gia đình tôi sản xuất ba công (3.000m2) đất màu. Trước kia, mỗi khi thu hoạch, việc bán sản phẩm rất khó khăn, nhiều lúc bán đổ, bán tháo, giá cả rất bấp bênh. Từ khi tham gia Hợp tác xã Ngãi Tứ, gia đình tôi không còn lo đầu ra sản phẩm, tất cả được bao tiêu, giá cả cũng cao hơn bán chợ”.
Theo ông Nguyễn Văn Tám, mỗi ngày hợp tác xã thu mua hai chuyến. Buổi sáng sẽ phân phối hàng cho các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và buổi chiều đưa đến các chợ đầu mối ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hợp tác xã ngày càng mở rộng thu mua nông sản, giúp nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngãi Tứ Nguyễn Hoàng Diệu cho biết, trước đây, xã chủ yếu sản xuất lúa luân canh với màu. Qua thời gian, nhận thấy trồng màu có hiệu quả kinh tế cao hơn cho nên người dân mạnh dạn chuyển đổi sang chuyên canh màu từ đất lúa kém hiệu quả. Hiện, Ngãi Tứ đã hình thành được vùng chuyên canh màu hơn 220 ha; trên địa bàn xã có chợ đầu mối nông sản, mỗi ngày cung ứng và trao đổi hơn 200 tấn hàng hóa, giúp nông dân xã Ngãi Tứ nói riêng và các vùng chuyên canh rau màu lân cận ở Vĩnh Long nói chung, có đầu ra ổn định.
Lãnh đạo thị xã Bình Minh cũng đề ra nhiều kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng vùng chuyên canh cải xà lách xoong trên địa bàn xã Thuận An. Nhờ thu nhập bình quân đầu người cao nhất tỉnh cùng với đạt các tiêu chí khác, xã Thuận An được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thuận An Nguyễn Văn Hiếu cho biết, thu nhập chính của phần lớn nông dân trong xã là nhờ cải xà lách xoong. Trung bình mỗi công cải xà lách xoong, nông dân thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Diện tích đất trồng màu hiện chiếm hơn 50% diện tích đất nông nghiệp của xã, chủ yếu là trồng cải xà lách xoong. Mỗi năm, xã chuyển dịch đất lúa kém hiệu quả sang chuyên canh màu từ 5 đến 6 ha…
Chuyên gia nước bạn Campuchia tham quan mô hình trồng cải xà lách xoong ở xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. |
Nâng tầm ngành sản xuất, chế biến rau màu
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do các đặc thù về điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, Vĩnh Long có các vùng chuyên canh rau màu đặc trưng, như: Khoai lang ở huyện Bình Tân; xà lách xoong ở thị xã Bình Minh; dưa leo ở huyện Tam Bình… Thị trường tiêu thụ đa dạng, giáp thành phố Cần Thơ và lên Thành phố Hồ Chí Minh cũng rất thuận lợi nhờ các tuyến cao tốc đã hoàn thiện. Hiện, các vùng sản xuất chuyên canh rau màu quy mô lớn của tỉnh đáp ứng tốt nhu cầu của các thị trường tiêu thụ. Người sản xuất có nhiều kinh nghiệm và ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cho nên tạo được sản phẩm bảo đảm chất lượng, sản lượng khá ổn định.
Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Ngọc Thanh cho biết, ngành chức năng đang tập trung xây dựng các vùng trồng tập trung, liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ, bảo đảm quản lý vùng trồng và truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, từng bước áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất đồng loạt, giảm chi phí sản xuất. Theo định hướng của tỉnh Vĩnh Long, đến năm 2030, diện tích gieo trồng rau màu các loại của toàn tỉnh hằng năm khoảng 47.000 ha, tập trung tại thị xã Bình Minh và các huyện Bình Tân, Tam Bình…
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lữ Quang Ngời cho biết, theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng phát triển ngành nông nghiệp là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tỉnh chú trọng ứng dụng khoa học-công nghệ, phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu; đồng thời, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Vĩnh Long sẽ thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp có quy mô lớn và vừa đầu tư vào ngành chế biến rau quả. Đến năm 2030, tỉnh phấn đấu có hơn 70% cơ sở chế biến, bảo quản rau quả xuất khẩu đạt trình độ và công nghệ sản xuất tiên tiến; công suất chế biến đạt 24.000 tấn sản phẩm/năm, gấp hai lần năm 2020. Tỉnh cũng đang xây dựng “Kế hoạch phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 tại tỉnh Vĩnh Long”; từ đó, góp phần đáp ứng nhu cầu tiêu dùng rau màu trong nước và xuất khẩu, phát triển bền vững ngành hàng rau, bảo đảm an ninh lương thực, an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao sức khỏe cộng đồng... ■