Ông Lê Công Thi (tổ 4, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) là một trong những người sở hữu diện tích mía lớn nhất vùng Đông Trường Sơn với hàng trăm héc-ta, trải dài từ huyện Đăk Pơ về Kông Chro. Ông Thi cho biết, những năm trước, gia đình làm nghề thu mua nông sản, cuộc sống rất bấp bênh; đến năm 2012, nhận thấy cây mía phát triển mạnh ở vùng Đông Trường Sơn và có Nhà máy đường An Khê tiêu thụ cho người dân, ông quyết định chuyển qua nghề trồng mía.
Lúc bấy giờ, gia đình có khoảng 10 ha đất trồng mía, ông đặt vấn đề với nhà máy và được tham gia vào cánh đồng lớn; vì thế ruộng mía của gia đình được nhà máy hỗ trợ đưa cơ giới hóa vào sản xuất, không chỉ giảm chi phí đầu tư mà còn tăng năng suất, nâng cao lợi nhuận.
Đến nay, ngoài hơn 30 ha mía của gia đình đang trồng, ông Thi còn tham gia đầu tư cho người dân diện tích khoảng hơn 300 ha. Với giá hiện tại khoảng 1.300 đồng/kg (bao gồm công thu hoạch và vận chuyển), trừ hết chi phí đầu tư, trung bình 1 ha người dân thu khoảng từ 30-40 triệu đồng, mỗi năm gia đình ông Thi thu khoảng 3 tỷ đồng từ cây mía.
Cũng thành công với cây mía ở vùng Đông Trường Sơn, ông Nguyễn Hữu Phúc (làng Brò, xã An Trung, huyện Kông Chro) hiện đang sở hữu hơn 30 ha và trồng mới gần 10 ha. Ông Phúc cho biết, trước đây ông chỉ quanh quẩn với cây đậu, khoai mì nhưng rất bấp bênh, thu nhập không đủ nuôi sống gia đình nên chuyển sang trồng mía.
Trong nông nghiệp, cây mía dễ chăm sóc hơn so với các cây trồng khác lại cho thu hoạch kéo dài trong 4 năm, chi phí đầu tư trồng mía cũng ít hơn, khoảng 60 triệu đồng/ha và được nhà máy thu mua với giá ổn định cho nên lúc nào cũng có lãi.
“Ở vùng Đông Trường Sơn, thu nhập từ cây mía tương đối cao, chỉ đứng sau cà-phê và hồ tiêu. Khoảng 2 năm trở lại đây, giá mía luôn duy trì ở mức cao và ổn định. Với 30 ha, mỗi năm gia đình tôi thu lợi nhuận khoảng hơn 1 tỷ đồng”, ông Nguyễn Hữu Phúc phấn khởi.
Cánh đồng mía lớn là một trong những chương trình đang được Nhà máy đường An Khê tập trung triển khai nhằm hỗ trợ người dân trên vùng Đông Trường Sơn. Tại đây, người dân không chỉ được đưa cơ giới hóa vào sản xuất mà còn được cung cấp mía giống, kỹ thuật và cam kết bao tiêu sản phẩm.
Hiện nhà máy đang liên kết với hàng trăm hộ dân tham gia vào cánh đồng mía lớn, trong đó có 80 hộ đồng bào dân tộc Ba Na ở làng Bờ (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Nhờ thế mà giá mía ổn định, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã thoát nghèo, xây được nhà ở khang trang.
Để phát triển vùng nguyên liệu mía bền vững, những năm qua Nhà máy đường An Khê đã chi hàng nghìn tỷ đồng trang bị hơn 350 máy cày trồng, hàng trăm thiết bị chăm sóc và 8 máy thu hoạch mía liên hợp để phục vụ người dân trên vùng nguyên liệu mía trong chuỗi liên kết sản xuất.
Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê Nguyễn Hoàng Phước cho biết, nhà máy đang đẩy mạnh thực hiện 4 chương trình gồm cơ giới hóa, hóa học hóa, sinh học hóa và tối ưu hóa trong quản lý đồng ruộng và thu hoạch; giúp người dân tiết giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.
Theo đó, chương trình cơ giới hóa được thực hiện từ năm 2007 nhằm hỗ trợ việc cày xới, trồng, chăm sóc và thu hoạch bằng máy cũng như xây dựng cánh đồng lớn. Chương trình này đã nâng được năng suất mía từ 50 tấn/ha trước đây lên 80 tấn/ha, thậm chí hơn 100 tấn/ha. Ngoài ra, cánh đồng mía lớn thu hoạch bằng máy sẽ giảm được chi phí từ 50-70.000 đồng/tấn, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Đối với chương trình hóa học hóa, nhà máy chuyên sử dụng phân bón đặc hiệu, phù hợp với thổ nhưỡng vùng đất Đông Trường Sơn, giúp cây mía phát triển tốt. Về sinh học hóa, nhà máy luôn tìm tòi và du nhập những giống mía mới, phù hợp để nâng cao năng suất, ổn định trữ đường.
Đáng chú ý, nhà máy đã tối ưu hóa trong quản lý, ứng dụng các phần mềm trong việc xây dựng lịch thu hoạch, vận chuyển, tiếp nhận, thanh toán chính xác và tiết kiệm thời gian cho người trồng mía.
Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Kông Chro Trần Văn Đấu, những năm gần đây giá mía nguyên liệu ổn định, cùng với sự hỗ trợ của Nhà máy đường An Khê, diện tích trồng mía của huyện Kông Chro ngày càng tăng, đến cuối năm 2024 toàn huyện đạt 10.500 ha.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kbang Lê Thanh Sơn thông tin: Cây mía đã trở thành cây trồng chủ lực của địa phương với diện tích khoảng hơn 10.400 ha. Để phát huy những lợi thế từ cây mía, địa phương khuyến khích người dân tham gia cánh đồng mía lớn nhằm ứng dụng tiến bộ kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch, qua đó tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Từ cây trồng thứ yếu, cây mía giờ đây không chỉ xóa nghèo mà còn làm giàu cho nhiều hộ gia đình ở vùng Đông Trường Sơn tỉnh Gia Lai.