Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long xác định phải thích ứng với biến đổi khí hậu. Ðặc biệt, ba tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre đã liên kết để dự báo tình hình, xây dựng phương án phù hợp, thống nhất tập trung ngăn mặn, trữ ngọt, giúp người dân an tâm sản xuất.
Bài 1: Những đợt hạn, mặn lịch sử
Hạn hán, xâm nhập mặn đã trở thành nỗi lo "thường trực" đối với người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, gây thiệt hại nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung. Mặn xâm nhập sâu vào nội đồng đã để lại những hệ lụy khó đo đếm được.
Hạn, mặn năm 2015-2016 là đợt hạn, mặn gay gắt sau gần 100 năm. Do đó, nhiều địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị lúng túng trong việc ứng phó, dẫn đến thiệt hại nặng nề. Hạn, mặn 2019-2020 cũng gay gắt và kéo dài hơn, thiệt hại để lại cũng không nhỏ.
Thiệt hại nặng nề
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, đợt hạn, mặn năm 2015-2016 đã làm gần 3.887 ha lúa đông xuân bị thiệt hại, tổng giá trị hơn 87 tỷ đồng, trong đó, thiệt hại hơn 70% có 2.684 ha, thiệt hại 50% đến 70% khoảng 1.030 ha và thiệt hại dưới 30% đến 50% là 171 ha; rau màu có 44 ha bị chết do khô hạn và vườn cây ăn quả bị thiệt hại 113 ha. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Tiền Giang, Nguyễn Văn Mẫn cho biết: Rút kinh nghiệm từ đợt hạn, mặn lịch sử năm 2015-2016, Tiền Giang có sự chủ động từ rất sớm cho mùa khô năm 2019-2020. Nhiều phương án được xây dựng, giải pháp công trình và phi công trình cũng được triển khai đồng loạt. Tuy vậy, hạn kéo dài, mặn lấn quá sâu vào nội đồng nên thiệt hại còn nặng nề hơn so với đợt hạn, mặn trước đó. Mùa hạn, mặn năm 2019-2020 đi qua, Tiền Giang thống kê thiệt hại gần 8.600 ha lúa đông xuân, trong đó, thiệt hại 30% đến 70% là 4.100 ha, thiệt hại hơn 70% khoảng 4.500 ha; rau màu các loại bị thiệt hại 810 ha, trong đó thiệt hại 30% đến 70% có hơn 354 ha, thiệt hại hơn 70% có 456 ha; vườn cây ăn quả có 3.000 ha diện tích bị thiệt hại từ 30% đến 100%.
Trong những năm gần đây, Bến Tre là một trong những địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Hạn, mặn năm 2015-2016, hầu hết 164 xã, phường, thị trấn của tỉnh đều bị mặn xâm nhập, độ mặn cao và ước tính thiệt hại của ngành nông nghiệp khoảng 1.600 tỷ đồng. Ðến mùa khô năm 2019-2020, hạn, mặn tiếp tục diễn ra gay gắt và khốc liệt hơn so với năm 2015-2016. Ðộ mặn 5‰ duy trì rất lâu và bao trùm toàn tỉnh Bến Tre. Mặn đã tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế-xã hội của địa phương. Chỉ tính riêng lĩnh vực nông nghiệp, Bến Tre có gần 28.000 ha cây ăn quả, 1,2 triệu chậu hoa kiểng các loại, 600 ha cây giống, 168 ha hoa màu, 3.100 ha nuôi thủy sản, 5.200 ha lúa bị ảnh hưởng trực tiếp, thiệt hại và 87.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Ước thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng. Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Long An, Nguyễn Thanh Truyền cho biết: Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, mùa mưa năm 2015 đến trễ và kết thúc sớm. Từ đó, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và tác động trực tiếp vụ lúa đông xuân 2015-2016 và hè thu 2016, gây thiệt hại nặng đến sản xuất nông nghiệp. Năm 2015-2016, tỉnh Long An có hơn 110.000 ha lúa, cây ăn quả, hoa màu bị ảnh hưởng trực tiếp. Tổng thiệt hại khoảng 200 tỷ đồng. Ðến mùa khô năm 2019-2020, tỉnh Long An quyết liệt hơn trong ứng phó và có nhiều giải pháp hữu hiệu. Từ đó, diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng khá thấp, chỉ có hơn 2.700 ha lúa, cây ăn quả, hoa màu bị tác động và thiệt hại khoảng 55 tỷ đồng.
Mùa khô năm 2019-2020, diện tích cây ăn quả vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi khô hạn và xâm nhập mặn hàng chục nghìn héc-ta, trong đó, diện tích thiệt hại hơn 70% chiếm khoảng 11.000 ha. Cây sầu riêng bị thiệt hại nặng nhất, với hơn 9.600 ha; bưởi hơn 5.700 ha, chôm chôm 4.600 ha, chanh 2.300 ha... Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất.
Lúng túng trong ứng phó
Hạn, mặn năm 2015-2016, tỉnh Tiền Giang đưa ra dự báo và xây dựng kế hoạch ứng phó cụ thể. Trong đó, các địa phương đã khuyến cáo nông dân xuống giống theo lịch thời vụ. Ngành chuyên môn tập trung duy tu, nâng cấp, sửa chữa các công trình cống bảo đảm ngăn mặn triệt để; kiểm soát các khu vực úng khi bơm tích trữ nước; giải phóng chướng ngại vật lòng kênh, khai thông dòng chảy và tăng cường công tác nạo vét thủy lợi nội đồng. Trường hợp mặn đến sớm, không lấy nước trực tiếp bằng việc xả cống thì phải lắp đặt trạm bơm dã chiến để bơm nước ngọt vào vùng ngọt hóa Gò Công, đồng thời tổ chức bơm chuyền 2 cấp, 3 cấp ở những vùng khó khăn trong việc lấy nước. Tuy nhiên, diễn biến hạn, mặn phức tạp và kéo dài, khiến nhiều địa phương lúng túng trong ứng phó. Theo Sở NN và PTNT Tiền Giang, đợt hạn, mặn này, địa phương nhận thấy ảnh hưởng El Nino xảy ra từ năm 2015 đến 2016 làm cho thời gian xuống giống vụ đông xuân trễ và mặn đến sớm, gây khó khăn về nước tưới ngay từ đầu vụ. Các địa phương nắm bắt thông tin, chủ trương của UBND tỉnh về công tác phòng, chống hạn, mặn chưa kịp thời, do đó còn thiếu kinh nghiệm và chậm triển khai trong công tác ứng phó. Ngành nông nghiệp và các địa phương chưa có giải pháp hiệu quả đối với diện tích lúa trễ vụ làm tăng diện tích thiệt hại. Dự án ngọt hóa Gò Công mới chỉ khép kín để ngăn mặn, giữ ngọt nhưng chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên khó khăn trong điều tiết nước phục vụ cho sản xuất. Khi hạn, mặn xảy ra, khả năng ứng phó trong vùng dự án rất kém. Công trình thủy lợi nội đồng trong những năm gần đây được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.
Ðến đợt hạn, mặn năm 2019-2020, Tiền Giang có sự chủ động phòng ngừa, ứng phó trước diễn biến hạn, xâm nhập mặn từ rất sớm như: đầu tư các công trình thủy lợi, trang bị các hệ thống bơm tát; xây dựng các kế hoạch, phương án, kịch bản ứng phó cụ thể dựa trên kịch bản hạn, mặn lịch sử năm 2015-2016... Tuy nhiên, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp vẫn lớn so với đợt hạn, mặn trước đó. Theo UBND tỉnh Tiền Giang, nguyên nhân, đợt hạn, mặn năm 2019-2020 đến sớm hơn so với năm 2015-2016 khoảng 30 đến 45 ngày, mặn lấn sâu vào nội đồng và luôn duy trì ở mức cao, kể cả chân và đỉnh triều làm các cống vùng dự án không thể vận hành, trong khi lúa đang ở giai đoạn cần nước. Mặn từ sông Hàm Luông (Bến Tre) đổ qua sông Tiền (Tiền Giang) làm ảnh hưởng đến các khu vực vườn cây ăn quả sớm hơn hai tháng so với năm 2015-2016. Ðộ mặn cao hơn năm 2015-2016 là 5,2 g/l, trong khi công năng của các công trình thủy lợi chủ yếu ngăn lũ và ngăn triều cường nên không thể phát huy hiệu quả cho việc ngăn mặn.
Trao đổi vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Trần Ngọc Tam cho biết: "Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bến Tre đã đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng thuộc Dự án hệ thống thủy lợi bắc-nam Bến Tre, cống đập Ba Lai, hồ chứa nước kênh Lấp và nhiều tuyến đê sông, đê bao cục bộ, đê bao các cồn... Bước đầu, các công trình phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bến Tre vẫn chưa được khép kín, do đó, tỉnh chưa thể chủ động kiểm soát được nguồn nước ngọt trong tình huống xâm nhập mặn diễn biến gay gắt. Từ đó, nhiều vườn cây ăn quả bị thiệt hại". Còn theo ghi nhận tại Long An, nhờ tập trung đầu tư các công trình thủy lợi trọng yếu những năm qua, nên thiệt hại do hạn, mặn gây ra ở tỉnh đã giảm rõ rệt qua từng đợt. Song, hệ thống thủy lợi của tỉnh hiện vẫn chưa hoàn chỉnh, nhiều nông dân chưa chấp hành theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Từ đó, nhiều diện tích lúa, cây ăn quả, rau màu bị ảnh hưởng trực tiếp.
(Còn nữa)