Liên hợp quốc: Thế giới đang ‘thất thế’ trong cuộc chiến chống rác thải điện tử

NDO - Trong năm 2022, thế giới ghi nhận 62 triệu tấn rác thải điện tử thải ra môi trường, và con số này được dự báo sẽ tăng khoảng 30% vào năm 2030.
0:00 / 0:00
0:00
Ước tính mỗi năm, lượng rác thải điện tử trên thế giới tăng thêm 2,6 triệu tấn. (Ảnh: Reuters)
Ước tính mỗi năm, lượng rác thải điện tử trên thế giới tăng thêm 2,6 triệu tấn. (Ảnh: Reuters)

Theo chuyên gia của Liên hợp quốc, thế giới đang ‘thất thế’ trong cuộc chiến chống rác thải điện tử khi tốc độ tạo ra loại rác này đang nhanh hơn rất nhiều so với những nỗ lực tái chế nó.

Rác thải điện tử bao gồm bất kỳ vật dụng bỏ đi nào có chứa phích cắm điện hoặc pin. Nó có thể chứa các chất phụ gia độc hại và các hợp chất độc hại như thủy ngân, gây nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe.

“Những thiết bị này thường không dễ sửa chữa và dễ dàng trở thành rác thải, khiến lượng rác thải toàn cầu ngày càng gia tăng” - ông Kees Balde, chuyên gia khoa học cấp cao Chương trình Chu trình Bền vững tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu của Liên hợp quốc (UNITAR) cho hay.

Trong năm 2022, thế giới ghi nhận 62 triệu tấn rác thải điện tử thải ra môi trường, tăng 82% so với 12 năm trước đó. Mỗi năm, lượng rác thải điện tử tăng thêm 2,6 triệu tấn, đồng nghĩa với việc con số này có thể lên đến 82 triệu tấn vào năm 2030.

Ông Kees Balde cho biết, phần lớn rác thải điện tử không được quản lý tốt và bị thải ra môi trường qua các bãi chôn lấp, chẳng hạn những vật dụng có kích cỡ nhỏ như những chiếc điện thoại di động…

Theo các chuyên gia của Liên hợp quốc, sự gia tăng này bắt nguồn từ nhiều yếu tố, bao gồm mức tiêu thụ cao hơn, thiếu các lựa chọn sửa chữa, tuổi thọ của thiết bị điện tử ngắn hơn, và cơ sở hạ tầng không đáp ứng yêu cầu quản lý rác thải điện tử.

“Ngay cả những vật dụng được thiết kế để giảm mức tiêu thụ năng lượng, như tấm pin mặt trời, cũng góp phần tạo ra rác thải điện tử”, ông Kees Balde nói và cho biết, trong năm 2022, ước tính khối lượng tấm quang điện bị thải bỏ trên thế giới vào khoảng 600 nghìn tấn.