Phát biểu họp báo, Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric nêu rõ, ông Guterres đặc biệt quan ngại về hàng trăm cuộc không kích của Israel vào một số địa điểm ở Syria và nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải giảm leo thang bạo lực trên khắp quốc gia Trung Đông này. Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng, thỏa thuận rút quân được ký giữa Israel và Syria năm 1974 vẫn có hiệu lực, đồng thời lên án mọi hành động đi ngược lại văn kiện này.
Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức phiên họp khẩn cấp đặc biệt để thảo luận về tình hình xung đột và khủng hoảng nhân đạo tại Gaza, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Đại hội đồng Philemon Yang. Tại phiên họp, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc và phần lớn các nước tham gia phát biểu thể hiện thất vọng về việc dự thảo nghị quyết kêu gọi ngừng bắn tại Gaza bị phủ quyết tại Hội đồng Bảo an ngày 20/11/2024; kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn, thả con tin, bảo vệ dân thường và các cơ sở dân sự thiết yếu, bảo đảm viện trợ nhân đạo không bị cản trở; đồng thời khẳng định tiếp tục ủng hộ vai trò và nỗ lực của Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA).
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng xung đột kéo dài tại Gaza và căng thẳng leo thang một số điểm nóng khác ở Trung Đông; kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và có hiệu lực lâu dài trên toàn khu vực. Thứ trưởng hoan nghênh nỗ lực của một số nước trong thúc đẩy ngừng bắn; kêu gọi các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an cố gắng thỏa hiệp để đạt được giải pháp đột phá cho cuộc khủng hoảng tại Gaza và trên toàn Trung Đông.
Đại diện Việt Nam lên án các cuộc tấn công vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự; kêu gọi các bên kiềm chế, tuân thủ nghiêm túc Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, các nghị quyết liên quan của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an, cũng như các biện pháp tạm thời của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ).
Nhân dịp này, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định Việt Nam kiên định ủng hộ nhân dân Palestine thực thi quyền tự quyết dân tộc và hiện thực hóa nguyện vọng trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ giải pháp hai nhà nước, trong đó có việc thiết lập một Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền, dựa trên đường biên giới trước năm 1967, phù hợp luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc.