Liên hợp quốc kêu gọi đoàn kết ứng phó thiên tai

NDO -

Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Abdulla Shahid nhận định, vụ phun trào núi lửa ở Tonga hôm 15/1 và trận sóng thần tiếp sau đó cho thấy mức độ "dễ bị tổn thương" của các nước đang phát triển ở các đảo nhỏ. 

Tonga bị bao phủ dưới lớp tro bụi dày sau vụ núi lửa phun trào. (Ảnh: REUTER)
Tonga bị bao phủ dưới lớp tro bụi dày sau vụ núi lửa phun trào. (Ảnh: REUTER)

Liên hợp quốc nhấn mạnh về đoàn kết quốc tế trong ứng phó khủng hoảng và tái thiết sau thảm họa. Các cơ quan Liên hợp quốc đang phối hợp chặt chẽ với Tonga, các đối tác và các nhà tài trợ để hỗ trợ Tonga khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong báo cáo cập nhật chính thức đầu tiên về hậu quả của thảm họa kép, văn phòng Thủ tướng Tonga ngày 18/1 xác nhận 3 người đã thiệt mạng. Trên đảo Mango, toàn bộ nhà cửa bị phá hủy hoàn toàn, trong khi trên đảo Fonoifua chỉ còn lại 2 ngôi nhà, đảo Namuka cũng chịu mức độ tàn phá trên quy mô lớn. Thủ đô Nuku'alofa của Tonga bị bao phủ dưới lớp tro bụi dày, có khả năng gây ngộ độc nguồn nước và gây các vấn đề về hô hấp của người dân.

Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cảnh báo có thể có thêm nhiều vụ nổ núi lửa hoặc sóng thần tại Bờ Tây nước Mỹ sau vụ phun trào núi lửa ở ngoài khơi Tonga. Các chuyên gia của USGS nhận định rằng, hoạt động của sóng thần sẽ khó dự báo hơn sau cơn địa chấn tại Tonga. 

Trong khi đó, số người chết trong trận động đất đêm 17/1 tại miền Tây Afghanistan đã lên 26 người. Theo USGS, trận động đất tại Afghanistan có độ lớn 5,3 với tâm chấn nằm ở vị trí khá nông. Afghanistan thường xuyên hứng chịu các trận động đất, nhất là tại dãy núi Hindu Kush. Năm 2015, ít nhất 280 người chết sau một trận động đất có độ lớn 7,5 tại dãy Hindu Kush.