Liên hợp quốc cảnh báo về tình trạng ấm lên toàn cầu

Ngày 28/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) cần ngăn chặn diễn tiến nguy hiểm trước khi tình trạng ấm lên toàn cầu tới đỉnh điểm nguy cấp.
0:00 / 0:00
0:00
Thềm băng Getz cao 60m ở Nam Cực. (Ảnh: Reuters)
Thềm băng Getz cao 60m ở Nam Cực. (Ảnh: Reuters)

Cảnh báo được đưa ra sau khi các số liệu cho thấy băng ở Nam cực tan nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tan hồi đầu thập niên 1990; diện tích băng hiện thấp hơn 1,5 triệu km2 so với mức trung bình vào thời điểm này hằng năm.

Biến đổi khí hậu đã gây tổn thất hàng tỷ USD cho nền kinh tế thế giới năm 2022; trong đó, các nền kinh tế đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất. Ước tính, biến đổi khí hậu làm giảm 6,5% GDP toàn cầu, gồm hậu quả trực tiếp như gián đoạn trong ngành nông nghiệp và sản xuất, giảm sản lượng và tác động gián tiếp qua thương mại và đầu tư toàn cầu.

Phát biểu với báo giới tại trụ sở Liên hợp quốc, ông Guterres nêu rõ: Các dòng hải lưu chung quanh Nam cực phân phối nhiệt, chất dinh dưỡng và carbon đi khắp thế giới, giúp điều hòa khí hậu và thời tiết. Tuy nhiên, thảm họa sẽ xảy ra nếu hệ thống này tiếp tục vận hành chậm hoặc dừng hoàn toàn. Nếu hoạt động khai thác nhiên liệu hóa thạch không ngừng lại, nhiệt độ Trái đất sẽ tăng thêm 30C vào cuối thế kỷ 21 và mức độ tan các thềm băng ở Greenland và Tây Nam cực sẽ vượt ngưỡng nguy hiểm. Các nhà lãnh đạo thế giới tại COP28 có trách nhiệm “phá vỡ chu kỳ này”.

Nghiên cứu mới nhất do Ðại học Delaware công bố trước thềm COP28 cho thấy, biến đổi khí hậu đã gây tổn thất hàng tỷ USD cho nền kinh tế thế giới năm 2022; trong đó, các nền kinh tế đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất. Ước tính, biến đổi khí hậu làm giảm 6,5% GDP toàn cầu, gồm hậu quả trực tiếp như gián đoạn trong ngành nông nghiệp và sản xuất, giảm sản lượng và tác động gián tiếp qua thương mại và đầu tư toàn cầu.

Tác giả chính của báo cáo, nhà nghiên cứu James Rising hy vọng thông tin trên góp phần làm rõ hơn những thách thức mà nhiều nước phải đối mặt, cũng như sự cần thiết hỗ trợ khẩn cấp cho các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu. Kết quả khảo sát của Ngân hàng Ðầu tư châu Âu (EIB) về khí hậu được công bố ngày 27/11 cũng chỉ ra rằng, các nước giàu nên bồi thường cho các nước nghèo hơn, giúp giải quyết tác động của biến đổi khí hậu. Hơn 60% số người được hỏi ở Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ nói rằng, đất nước họ nên tài trợ cho các nỗ lực chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Báo cáo cũng cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc loại bỏ các khoản trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch.

Trong khi đó, các hãng hàng không châu Âu đang đẩy mạnh đầu tư và ký kết thỏa thuận hợp tác để có được nguồn cung nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Việc sử dụng nhiên liệu thay thế làm từ các nguyên liệu sinh học có thể giúp cắt giảm tới 80% lượng khí thải carbon so với sử dụng nhiên liệu truyền thống. Ðây được xem là một biện pháp giúp ngành hàng không châu Âu đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Ngày 28/11, Hãng hàng không Virgin Atlantic của Anh thực hiện chuyến bay đầu tiên trên thế giới sử dụng 100% nhiên liệu hàng không bền vững. Chuyến bay khởi hành từ thủ đô London đến sân bay quốc tế John F.Kennedy ở thành phố New York (Mỹ). Máy bay Boeing 787 được trang bị động cơ Trent 1000 của Rolls-Royce thực hiện chuyến bay.