Kế hoạch ngăn tan băng ở Nam Cực

Trong khi các chiến dịch giảm ô nhiễm môi trường nhằm đối phó biến đổi khí hậu, trong đó có tình trạng lở và tan băng ở Nam Cực, chưa thật sự phát huy kết quả và cần nhiều thời gian để thực hiện, thì mới đây các nhà khoa học đã có ý tưởng đối phó tạm thời với nguy cơ tan băng.

Băng tan ở Nam Cực sẽ nhấn chìm nhiều thành phố. Ảnh: WORLDNEWS
Băng tan ở Nam Cực sẽ nhấn chìm nhiều thành phố. Ảnh: WORLDNEWS

Trong công trình nghiên cứu được giới thiệu trên tạp chí Science Advances số ra ngày 17-7 vừa qua, các nhà khoa học cho biết các chính phủ trên thế giới có thể ngăn chặn nguy cơ khối băng khổng lồ ở phía tây Nam Cực lở và trượt ra đại dương nhấn chìm các thành phố ven biển bằng cách phủ “tuyết nhân tạo” lên bề mặt khối băng.

Theo công trình nghiên cứu, nhóm tác giả đã sử dụng các mô hình máy tính để tính toán rằng khối băng ở tây Nam Cực có thể đạt được sự ổn định khi ít nhất 7.400 tỷ tấn tuyết nhân tạo được bao phủ chung quanh đảo Pine và sông băng Thwaites trong 10 năm. Theo ý tưởng, các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng 12.000 turbine gió để bơm nước biển ngược lên bề mặt khối băng cao 1.500 m, vị trí mà nước biển sẽ bị đóng băng thành “tuyết”, với hy vọng lượng tuyết này sẽ trở thành một “chiếc áo” bao phủ khối băng khổng lồ này, ngăn không cho nó lở thêm.

GS Anders Levermann đến từ Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Đức), đồng tác giả công trình nghiên cứu trên cảnh báo, lượng nước biển dâng do tác động từ việc tan băng ở tây Nam Cực có thể nhấn chìm các thành phố Hamburg (Đức), New York (Mỹ), Thượng Hải và Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc). Cùng quan điểm với nhiều nhà khoa học khí hậu khác, ông Levermann cho rằng ưu tiên khẩn cấp nhất hiện nay là nhanh chóng cắt giảm lượng khí thải carbon cần thiết để đáp ứng mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015 về chống biến đổi khí hậu, theo đó giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so thời kỳ tiền công nghiệp.

Cũng theo GS Levermann, tình trạng tan băng ở đảo Greenland (Đan Mạch), Bắc Cực và các dòng sông băng trên toàn thế giới sẽ khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Ông cảnh báo mực nước biển có thể sẽ dâng cao ít nhất 5 m ngay cả khi các nước nỗ lực thực thi Thỏa thuận Paris.