Ông Ted Chaiban, Phó Giám đốc điều hành UNICEF phụ trách hoạt động nhân đạo và cung ứng cho biết, cơ quan này cũng đang thảo luận về tính khả thi của việc thêm các loại vaccine khác vào chiến dịch, bao gồm cả tiêm chủng phòng sởi.
Theo Phó Giám đốc điều hành UNICEF, có hơn 44 nghìn trẻ em được sinh ra ở Gaza trong năm ngoái nhưng chưa được tiêm chủng cơ bản.
Trong đợt tiêm chủng đầu tiên bắt đầu từ ngày 1/9, UNICEF đã đạt được mục tiêu tiêm phòng cho 90% trẻ em dưới 10 tuổi tại Gaza, theo báo cáo từ cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA).
Hàng trăm nghìn trẻ em được tiêm phòng bại liệt trong đợt đầu tại Gaza
Đợt tiêm chủng này đã được thực hiện trong đợt tạm ngừng chiến sự kéo dài 2 tuần giữa Israel và lực lượng Hamas để tạo điều kiện cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Đợt tiêm chủng bại liệt thứ 2 dự kiến sẽ được thực hiện trong vòng 4 tuần.
Theo đánh giá của các tổ chức giám sát toàn cầu, tình trạng đói kém nghiêm trọng vẫn có nguy cơ cao xảy ra tại Gaza khi xung đột tiếp diễn trong bối cảnh tiếp cận nhân đạo còn bị hạn chế.
Trong bối cảnh đó, ông Chaiban nhấn mạnh rằng chiến dịch tiêm chủng là hoạt động quan trọng để cứu sống trẻ em và cần phải tiếp tục để bảo đảm trẻ em Gaza được bảo vệ trước các bệnh nguy hiểm, cũng như được bổ sung thêm các vitamin và khoáng chất thiết yếu.