Liên hợp quốc: 2021 là một trong 7 năm nóng kỷ lục

NDO -

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc ngày 19/1 khẳng định, 7 năm qua là quãng thời gian thế giới trải qua thời tiết nắng nóng nhất, theo đó nhiệt độ trong năm 2021 vẫn ở mức cao bất chấp tác động hạ nhiệt của hiện tượng thời tiết La Nina.

(Ảnh: WMO)
(Ảnh: WMO)

Theo người đứng đầu WMO Petteri Taalas, hai sự kiện La Nina liên tiếp (từ năm 2020 đến nay) đã khiến năm 2021 bớt nóng hơn so những năm gần đây nhưng vẫn ấm hơn những năm từng bị ảnh hưởng bởi La Nina. Điều này cho thấy sự ấm lên trong dài hạn của Trái đất là hệ quả của tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gia tăng nhiều hơn so với sự thay đổi hằng năm của nhiệt độ trung bình toàn cầu bởi các tác nhân khí hậu tự nhiên.

Kết luận của WMO được đưa ra sau khi tổng hợp 6 bộ dữ liệu quốc tế hàng đầu, gồm bộ theo dõi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (C3S) và Cơ quan Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA). Theo đó, nhiệt độ toàn cầu trung bình trong năm 2021 cao hơn khoảng 1,11 độ C so với thời tiền công nghiệp (1850-1900).

2021 cũng đã đánh dấu năm thứ 7 liên tiếp nhiệt độ trung bình Trái đất cao hơn 1 độ C so với thời tiền công nghiệp. WMO cảnh báo nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2021 đã tiến gần giới hạn 1,5 độ C mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vốn tìm cách ngăn chặn. Theo Hiệp định Paris năm 2015, các nước nhất trí giới hạn tình trạng ấm lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời tiền công nghiệp và 1,5 độ C nếu có thể.

Dù 2021 có thể là năm có nhiệt độ thấp hơn cả trong 7 năm nóng nhất, năm qua vẫn xảy ra hàng loạt sự kiện nắng nóng kỷ lục và thời tiết cực đoan liên quan đến vấn đề Trái đất ấm lên, như nhiệt độ kỷ lục gần 50 độ C ở Canada, lũ lụt nghiêm trọng ở châu Á và châu Âu cũng như hạn hán ở châu Phi và Nam Mỹ. WMO khẳng định các tác động của biến đổi khí hậu và các hiểm họa liên quan thời tiết đã gây tác động biến đổi đời sống và tàn phá với các cộng đồng trên mọi lục địa.