Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, vừa qua, Trung ương đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đây là sự kiện lớn và việc triển khai, phổ biến nội dung Hội nghị này là hết sức cần thiết. Khi thực hiện nhiệm vụ này phải có con người và nguồn lực.
Ngoài các nguồn lực về con người, trí tuệ, bản lĩnh, truyền thống thì cũng cần nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm làm việc tốt nhất. Những vấn đề này liên quan đến Chính phủ. Chúng ta đã thống nhất về mặt chủ trương, đường lối rồi thì phải tổ chức thực hiện. Việc tổ chức thực hiện trong đó có chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, sự vào cuộc của Liên hiệp; trên cơ sở đó cần phối hợp nhịp nhàng, có hỗ trợ, lắng nghe ý kiến của nhau, chia sẻ để cuối cùng là phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc, nâng cao đời sống của nhân dân, đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng như Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Chúng ta đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Các mục tiêu phát triển đất nước được đặt ra hết sức cụ thể.
Về bước đi, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ phải có biện pháp cụ thể hóa, để triển khai mục tiêu trước mắt và lâu dài. Chúng ta cần lắng nghe, tìm giải pháp cần tháo gỡ để Liên hiệp Hội phát triển đúng hướng, đúng tầm, đúng sự mong mỏi của nhân dân, đúng theo tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua.
* Theo lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhiệm vụ của Liên hiệp Hội là thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, phấn đấu xây dựng Liên hiệp Hội thực sự là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp vững mạnh; tập hợp, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, gắn bó máu thịt với cuộc sống của nhân dân; không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu, lý luận phê bình và quảng bá tác phẩm, giao lưu hội nhập văn hóa, đưa văn học nghệ thuật phát triển lên một trình độ mới, dân tộc, hiện đại với các giá trị yêu nước, dân tộc, dân chủ, khoa học, tiến bộ, nhân văn, đáp ứng quyền và nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa ngày càng cao của công chúng, góp phần xứng đáng vào nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đặc biệt, lãnh đạo Liên hiệp đã và đang tập trung hơn nữa trong xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam một cách toàn diện cả về số lượng và chất lượng, đề cao trách nhiệm công dân và tính tích cực xã hội, đồng hành mạnh mẽ cùng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vì lợi ích tối cao của dân tộc, không ngừng đổi mới tư duy sáng tạo, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, phấn đấu để có thêm nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật,...
Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ niềm tự hào với thành tựu nền văn học, nghệ thuật nước nhà, đặc biệt là từ khi có Đảng; cho rằng văn học, nghệ thuật đã thực hiện tốt sứ mệnh của mình, đồng hành cùng đất nước, nhân dân, góp phần và cùng dân tộc vươn lên. Trong quá trình phát triển, mặc dù có những thăng trầm, song luôn luôn xuất hiện những tác giả, tác phẩm xuất sắc, góp phần khắc họa giá trị con người Việt Nam, xây dựng bản sắc văn hóa Việt Nam, khơi dậy sức mạnh nội sinh to lớn của dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Văn học, nghệ thuật đã truyền tải sâu sắc, toàn diện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là sau 35 năm đổi mới, góp phần làm cho nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày càng phát triển để có cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín như ngày nay. Thành tựu đó có được là do văn học, nghệ thuật nước nhà đã bám sát đường lối của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng, bằng tâm huyết, trách nhiệm, lao động nghệ thuật không mệt mỏi của các văn nghệ sĩ; xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong toàn lực lượng để phát huy những giá trị cốt lõi của mình và khắc phục, vượt qua những hạn chế; đặc biệt là nhờ có sự ủng hộ, quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể, nhất là của nhân dân đối với giới văn học, nghệ thuật.
Chỉ ra những hạn chế, bất cập của nền văn học, nghệ thuật thời gian qua, Thủ tướng cũng chia sẻ với các văn nghệ sĩ những khó khăn, thách thức trong dịch bệnh như hạn chế các buổi biểu diễn tập trung đông người, đồng thời biểu dương những cách làm sáng tạo như tổ chức hòa nhạc trực tuyến… Thủ tướng đặt vấn đề, khi dân tộc có những khó khăn, thách thức, như trong thời kỳ chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, văn học, nghệ thuật hết sức phát triển, đạt được nhiều thành tựu, góp phần nhân lên gấp bội sức mạnh của dân tộc, phải chăng do khó khăn, thách thức cũng tạo chất liệu, không gian tốt để giới văn học, nghệ thuật sáng tạo?
Với tinh thần đó, Thủ tướng định hướng một số công việc cần thực hiện trong thời gian sắp tới. Theo đó, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các hội viên tiếp tục đoàn kết, thống nhất, phát huy trí tuệ và tinh thần dân chủ để phát triển văn học, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới, quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, văn hóa, con người Việt Nam, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các giải pháp, nhiệm vụ đột phá được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm của Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Phát triển văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng phải ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Văn hóa, nghệ thuật phải lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu và động lực của sự phát triển. Văn học, nghệ thuật góp phần hướng con người đến “chân - thiện - mỹ” và đây cũng là giá trị cốt lõi của dân tộc ta.
Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam cần hoàn thiện các kế hoạch, chương trình, hành động để thực hiện các nhiệm vụ của mình, khắc phục các hạn chế, yếu kém, hoàn thành sứ mệnh đối với đất nước, nhân dân, đồng thời đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá văn học nghệ thuật, văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Văn học, nghệ thuật cần phục vụ 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra; tiếp tục xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường hội nhập với phương châm “hòa nhập nhưng không hòa tan”; góp phần phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc; quảng bá hình ảnh, thể hiện tầm vóc đất nước trên trường quốc tế; đấu tranh trước các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch…
Trước mắt, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các hội viên cần có nhiều sáng tác mang “hơi thở cuộc sống”, góp phần vào công tác phòng, chống Covid-19, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội; chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững, ứng phó các thách thức như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên; phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, du lịch…
Cơ bản đồng tình với các kiến nghị, đề xuất tại cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành liên quan phối hợp Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam để hoàn thiện các chương trình, đề án trình cấp có thẩm quyền. Trong đó, lựa chọn một số vấn đề quan trọng, cấp bách và có hiệu quả để làm trước, lưu ý tới việc ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tạo điều kiện về cơ sở, vật chất, không gian sáng tạo cho giới văn học, nghệ thuật…