Liban đối mặt thách thức kép

Kể từ sau khi xảy ra cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel ở Dải Gaza, khu vực biên giới Liban-Israel cũng trở thành một điểm nóng đáng lo ngại. Tình trạng bạo lực tại khu vực biên giới giữa Israel và Liban đã buộc hàng chục nghìn người phải sơ tán ở cả hai phía, cũng như làm dấy lên lo ngại về khả năng xung đột leo thang, đẩy quốc gia Trung Đông vốn lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng vào tình cảnh khó khăn chồng chất.
0:00 / 0:00
0:00
Xung đột ở khu vực biên giới Israel và Liban. (Ảnh REUTERS)
Xung đột ở khu vực biên giới Israel và Liban. (Ảnh REUTERS)

Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã chấm dứt cuộc chiến năm 2006 giữa Israel và lực lượng Hezbollah của Liban. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc xung đột ở Gaza nổ ra vào ngày 7/10/2023, giao tranh giữa quân đội Israel và Hezbollah đã không ngừng leo thang dọc biên giới chung giữa hai nước. Hầu như ngày nào cũng xảy ra bắn phá qua biên giới giữa phong trào Hezbollah với các lực lượng Israel.

Đặc biệt, cuộc tấn công của Israel khiến phó thủ lĩnh Hamas thiệt mạng ở phía Nam Beirut hôm 2/1 vừa qua làm gia tăng lo ngại về một cuộc xung đột rộng hơn. Sau đó, phong trào Hezbollah thừa nhận đã phóng hơn 60 quả rocket vào một căn cứ quân sự của Israel ở khu vực Meron, đồng thời mô tả cuộc tấn công này là phản ứng ban đầu đáp trả vụ máy bay không người lái của Israel tấn công khiến phó thủ lĩnh Hamas thiệt mạng. Tổ chức Jama’a Islamiya - theo đường lối cứng rắn tại Liban cũng tuyên bố đã phóng hai loạt rocket vào thành phố Kiryat Shmona ở miền bắc Israel.

Kể từ khi giao tranh bắt đầu nổ ra giữa phong trào Hezbollah và quân đội Israel, hàng chục dân thường và nhà báo đã thiệt mạng và bị thương, trong khi các vị trí của Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Liban bị tấn công nhiều lần, khiến 3 nhân viên gìn giữ hòa bình bị thương.

Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của LHQ mới đây công bố báo cáo cho thấy, hơn 76.000 người ở Liban đã phải di tản trong gần 3 tháng giao tranh xảy ra gần như hằng ngày dọc biên giới với Israel. Trong số đó, hơn 80% đang ở cùng người thân và chỉ 2% phải sống trong 14 cơ sở tạm trú ở miền nam Liban, chủ yếu ở thành phố ven biển Tyre và vùng Hasbaya.

Xung đột ở khu vực biên giới càng khiến cuộc khủng hoảng ở Liban thêm trầm trọng. Hệ thống tài chính của Liban bắt đầu rạn nứt vào năm 2019 và đến đầu năm 2020 nước này đã vỡ nợ. Giá trị đồng nội tệ lao dốc không phanh trong khi giá của gần như mọi loại hàng hóa đều tăng vọt, khiến cuộc sống của người dân Liban ngày một khó khăn.

Tháng 4/2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo đã đạt một thỏa thuận viện trợ Liban 3 tỷ USD để giúp nước này vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế, song chưa đáp ứng đủ các điều kiện để được giải ngân. IMF gần đây cảnh báo Liban đang trong tình thế rất nguy hiểm do việc trì hoãn một loạt cải cách, bao gồm cải cách ngành ngân hàng và tỷ giá hối đoái.

Trong khi đó, theo Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), 26% số hộ gia đình ở Liban có con em không được đến trường học, trong bối cảnh nước này vẫn quay cuồng trong cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất từ trước tới nay. Khoảng 84% số hộ gia đình tại Liban phải vay tiền để mua các mặt hàng tạp hóa thiết yếu.

Đối mặt thách thức “kép”, vừa phải giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước, vừa ngăn chặn mối đe dọa an ninh xuất phát từ các cuộc giao tranh ở khu vực biên giới, Thủ tướng lâm thời của Liban, ông Najib Mikati khẳng định, Liban ủng hộ một giải pháp ngoại giao để tránh cuộc xung đột Hamas-Israel lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông, đồng thời lưu ý rằng Trung Đông đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn giữa giải pháp ngoại giao cho nhiều cuộc khủng hoảng chồng chéo trong khu vực hoặc một sự leo thang xung đột.

Kể từ khi cuộc xung đột ở Gaza bắt đầu nổ ra, Liban đã kêu gọi ngừng bắn vì điều này sẽ là nền tảng cho bất kỳ giải pháp tiềm năng nào. Ông Mikati nói: “Ngay sau khi đạt được một lệnh ngừng bắn ở Gaza, chúng tôi sẽ tìm kiếm một giải pháp nhằm đạt được sự ổn định bền vững và lâu dài ở miền nam Liban, phù hợp với Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an LHQ”.