NDO - Thời tiết vùng cao Sơn La mùa này thật lạ, sáng sớm những làn mây trắng bạc phủ kín các đỉnh núi kèm cái lạnh cắt da cắt thịt. Trưa xuống, mây tan dần nhường chỗ cho nắng ấm. Chiều buông là thời điểm của hơi lạnh cùng những làn sương trắng trôi bồng bềnh giăng khắp các bản vùng cao. Đêm xuống, nhiệt độ giảm sâu với cái lạnh đặc trưng vùng cao… Chúng tôi đón Tết với đồng bào H’Mông ở bản Tà Số 1 và Tà Số 2, xã Chiềng Hắc, Mộc Châu vào ngày như thế.
Trước Tết, các hộ đồng bào dân tộc H'Mông sẽ thay cờ Tổ quốc mới được treo trang trọng trước cửa chính ra vào.
Cùng với treo cờ Tổ quốc, phụ nữ dân tộc H'Mông còn chuẩn bị thêu thùa để may những bộ trang phục đẹp nhất đón Tết.
Đối với người H'Mông ở một số bản vùng cao của Sơn La, lễ cúng ông bà tổ tiên được thực hiện vào ngày nào thì họ mới tính đó là ngày gia đình ăn Tết. Họ sẽ tính toán sắp xếp ngày đón Tết sao cho phù hợp với điều kiện sinh hoạt của gia đình để làm lễ và mời càng đông người thân, bạn bè đến càng vui.
Theo quan niệm của đồng bào H'Mông, tất cả mọi vật và cả cây cối đều có linh hồn, nên đầu năm mới họ sẽ thắp hương ở 9 nơi trong gian nhà. Đồng thời dán giấy tiền vàng mới cho các phương tiện, dụng cụ lao động, cửa nhà, bếp, cửa chuồng nuôi nhốt các vật nuôi để thể hiện lòng biết ơn và cầu cho 1 năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.
Đồng bào H'Mông giã bánh dày vào ngày 30 Tết. Bánh dày được làm từ gạo nếp nương của mỗi gia đình tự trồng. Sau đó, họ tự đồ thành xôi rồi giã thủ công nên những chiếc bánh rất trắng và dẻo. Sau khi bánh dày được dâng cúng tổ tiên, bánh dày sẽ được chia cho người thân, bạn bè hay khách đến chơi. Bánh ngon nhất khi được chấm với mật mía của các gia đình cũng tự trồng trên nương.
Đồng bào H'Mông quan niệm bánh dày càng to, càng tròn và càng nhiều thì cuộc sống của họ sẽ càng đủ đầy và sung túc. Mỗi gia đình người H'Mông thường làm hàng trăm cái bánh dày để ăn tết và tặng cho khách đến chơi nhà ngày Xuân đến, Tết về.
Vào ngày Tết, đồng bào H'Mông sẽ đến chúc Tết gia đình người thân, họ hàng trong ngày mồng một Tết. Họ sẽ diện lên mình những trang phục truyền thống của dân tộc mình do chính những bàn tay khéo léo của người phụ nữ H'Mông thêu thùa và may. Sau đó, họ sẽ đi chúc Tết các gia đình bạn bè trong bản. Đến các nhà chúc Tết sẽ luôn có món bánh dày, rượu ngô.
Vào những ngày vui Xuân, đón Tết, trẻ em cũng được bố mẹ may cho những bộ trang phục truyền thống với những hoa văn đặc trưng và được người lớn đưa đi chúc Tết người thân, họ hàng và các hộ trong bản.
Trong 3 ngày Tết, đồng bào H'Mông hạn chế ăn rau, họ quan niệm rằng nếu ăn rau thì cả năm sẽ chỉ ăn rau, cho nên trong mâm cơm đãi khách chỉ có ray thơm, bánh dày, cơm, các món từ thịt và rượu.
Phụ nữ H'Mông từ lúc còn nhỏ ai cũng biết thêu thùa, may vá và làm bánh dày. Vào những ngày Tết, phụ nữ H'Mông từ già cho đến trẻ đều biết giã, làm bánh dày hay lo một bữa cơm gia đình trong ngày Tết.
Trong những ngày Tết, đồng bào H'Mông còn trang trí phòng ngủ tại các homestay của gia đình mình để đón người thân từ phương xa hay khách du lịch lên thăm bản, vui Tết.
Trong những ngày vui Xuân, đón Tết, đồng bào H'Mông còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cộng đồng, trong đó có trò chơi ném trái Pa Pao, một trong những trò chơi dân gian mà từ người già đến trẻ nhỏ cứ ngày lễ, Tết hay ngày vui là họ cùng nhau chơi ném Pao. Đây là trò chơi vừa để rèn luyện đôi tay, đôi mắt và cũng là cách để các chàng trai, cô gái người H'Mông làm quen và hẹn hò với nhau.
Một trò chơi dân gian mà bất kỳ cậu bé người H'Mông nào cũng biết chơi và rất yêu thích là trò đánh Tu Lu. Từ người già cho đến các cậu bé đánh Tu Lu để thể hiện sức khoẻ, độ khéo léo và tinh sảo của mình trong việc đẽo gọt ra mỗi con Tu Lu.
Không khí vui Xuân, đón Tết và không khí đầm ấm, sum vầy của đồng bào dân tộc H'Mông ở các bản vùng cao Sơn La đã làm cho cây cải ra hoa, mận đào nở bông, con chim xây tổ và trai bản đón người con gái mình yêu về làm vợ.