Lên thượng nguồn Đà Giang ăn Tết Hồ Sự Chà

Khi cây dương xỉ trong rừng già trổ những ngồng hoa dài như vòi voi, những rặng dã quỳ bung nở vàng rộ khắp sườn non, ấy là báo hiệu một năm mới bắt đầu đến với đồng bào Hà Nhì nơi thượng nguồn sông Ðà. Như mọi năm, Tết cổ truyền của người dân Hà Nhì xã Ka Lăng, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) bắt đầu vào ngày Thìn - con rồng đầu tiên của tháng 11 âm lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày Tết, bà con Hà Nhì làm bánh dày để cúng tổ tiên, tiếp đãi khách.
Ngày Tết, bà con Hà Nhì làm bánh dày để cúng tổ tiên, tiếp đãi khách.

Xã Ka Lăng có tám bản, 561 hộ, tất cả đều là đồng bào dân tộc Hà Nhì. Người Hà Nhì nơi đây cố định ngày trong tháng đón Tết cổ truyền và Tết thường là do Hội đồng già làng, trưởng bản bàn bạc và thống nhất theo từng năm. Người Hà Nhì đón năm mới theo lịch mặt trăng (lịch âm), thế nên Tết thường diễn ra sau khi kết thúc xong mùa vụ và ngày của đầu năm mới, nhất thiết phải là ngày Thìn (ngày con rồng), bởi người Hà Nhì quan niệm, rồng là linh vật mạnh, hành lễ vào ngày rồng cuối năm sẽ hứa hẹn một năm mới an lành, sung túc.

Nếu như người Kinh có Tết cổ truyền Nguyên đán bắt đầu từ ngày mồng 1 tháng đầu tiên của năm mới (âm lịch), thì người Hà Nhì có Tết truyền thống riêng - Tết Hồ Sự Chà. Năm nay, người Hà Nhì đón Tết trong ba ngày, từ ngày Thìn đến hết ngày Mùi (tức ngày 6 đến 9 tháng 10 âm lịch). Tết Hồ Sự Chà là dịp để quây quần sum họp của các thành viên trong gia đình, là dịp con cháu đi học, làm ăn xa được về thăm, chúc Tết, tri ân cha mẹ, ông bà, báo cáo tổ tiên, Tết để vui chơi, uống chén rượu mới, ăn bát cơm gạo mới, thăm hỏi người thân, bạn bè, họ hàng, dòng tộc.

Ðón Tết cổ truyền năm nay ai cũng vui, nhưng có lẽ vui nhất là anh Chu Ly Sơn ở bản Mé Gióng. Gia đình anh Chu Ly Sơn năm nay trúng lớn nhờ trồng cây sả. “Ðây là năm thứ tám gia đình mình chuyển đổi hơn một héc-ta nương ngô sang trồng sả. Trồng cây sả cũng vất vả, nhưng cho thu nhập cao hơn trồng ngô, sắn. Mỗi năm cây sả cho thu hoạch năm vụ, mỗi vụ cho thu hoạch được 30 lít tinh dầu. Theo giá thị trường 250 nghìn đồng/lít, tính bình quân năm nay gia đình cũng “bỏ túi” khoảng 50 triệu đồng”, anh Sơn phấn khởi chia sẻ.

Còn già bản Sì Hừ Pứ, ở bản Ka Lăng thì không giấu được niềm vui. Già Pứ chẳng nhớ đây là cái Tết thứ bao nhiêu được chứng kiến người Hà Nhì Ka Lăng vui đón năm mới. Ngồi nhấp ngụm trà cổ thụ, cụ phấn khởi kể trong niềm vui: “Chỉ biết khi hạt thóc trên nương đã cất vào bồ, mùa màng kết thúc, con lợn trong chuồng nuôi đã khoảng 100 kg, cây đào đầu bản cựa mầm... thế là Tết về! Không ai bảo ai, mọi người tập trung đông đủ, vệ sinh đường ngõ, trang trí nhà cửa, treo cờ Tổ quốc.

Không khí Tết năm nay đến sớm hơn, đêm nào cũng tưng bừng nhịp phách trống, chiêng của đội văn nghệ bản. Con cháu hăng say tập luyện lắm, không chỉ chào đón năm mới mà còn đi trình diễn ở Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Sơn Tây (Hà Nội). Nhớ lại thời trước mình cũng hay tham gia, nhưng giờ cái chân yếu, nhưng vui hơn vì nay đã có con cháu mang văn hóa người Ka Lăng về đây cho mình xem rồi”.

Với người Hà Nhì, để có một cái Tết to, vui, thì việc nuôi lợn trong một năm để mổ vào ngày đầu năm mới đã thành thông lệ. Người Hà Nhì ở Ka Lăng cho rằng, ngày đầu tiên của năm mới có tiếng lợn kêu trong nhà sẽ mang đến điều may mắn, hạnh phúc, con lợn chuẩn bị ăn Tết càng to chứng tỏ năm đó làm ăn càng khấm khá. Thế nên, khi thời gian sang ngày đầu tiên của năm mới, cả bản dậy sớm, việc trước tiên là giúp nhau mổ lợn, cứ lần lượt các nhà, lợn sẽ được mổ lấy gan lợn trình lên tổ tiên. Sau đó một việc hết sức linh thiêng và cẩn trọng, chủ nhà sẽ mời các bậc cao niên trong dòng tộc thực hiện tục “xem gan lợn”. Việc xem gan con lợn được xem như là điều dự báo cho gia chủ một năm mới với đủ những vận hạn, may rủi và cả những dự ước tương lai.

Sau khi làm lễ xem gan lợn, phụ nữ Hà Nhì đồ xôi trắng, giã bánh dày, với quan niệm, bánh dày dâng cúng phải nóng hổi, phải to hơn bánh bình thường thì mới thể hiện tấm lòng hiếu thuận của con cháu với tổ tiên. Do đó, mâm cúng trong ngày Tết đầu tiên của người Hà Nhì không thể thiếu bánh dày, thịt lợn, cháo, rượu. Sau khi dâng cúng tổ tiên xong, con cháu nội, ngoại sẽ tập trung chúc Tết ông bà, cha mẹ. Khi các thủ tục đã xong, cả gia đình sẽ được ông bà chia lộc và chúc cho con cháu khỏe mạnh, thành đạt.

Trong ngày đầu năm mới, mọi người trong bản đến thăm nhà nhau, chúc Tết, uống rượu, vui văn nghệ. Các thiếu nữ Hà Nhì diện trang phục truyền thống uyển chuyển trong từng điệu múa; trai tráng khỏe khoắn trong động tác xòe mạnh mẽ, khách đến là vui, là xòe, vòng xòe cứ nối dài theo nhịp phách trống chiêng.

Anh Mạ Lý Phạ, cán bộ văn hóa xã Ka Lăng cho biết: Trong một năm, người Hà Nhì có nhiều lễ hội và Hồ Sự Chà là Tết được tổ chức rất lớn, có nét riêng, đặc sắc, hội tụ nhiều giá trị văn hóa độc đáo của người Hà Nhì nơi thượng nguồn sông Ðà.