Lễ tri ân đặc biệt ngày cuối năm 2020

NDO -

“Tôi chỉ muốn những người mẹ khác vẫn giữ được nụ cười của mình”, “Tôi chỉ mong con được cảm nhận bố còn sống và tự hào về bố”… những câu nói nghẹn ngào của những người vợ, người mẹ kiên cường đã hiến cơ thể chồng mình, con mình cứu sống những người khác khiến ai nấy đều xúc động không cầm được nước mắt. 

 GS, TS, AHLĐ Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức tri ân các gia đình có người hiến tạng.
 GS, TS, AHLĐ Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức tri ân các gia đình có người hiến tạng.

Đã có nhiều câu chuyện xúc động được các gia đình kể lại, vào một buổi chiều đông lạnh, trong khuôn viên BV Hữu nghị Việt Đức - nơi đã lưu giữ lại những phần cơ thể của người thân họ, tái sinh lại trong cơ thể người khác. Đó là một lễ tri ân đặc biệt - tri ân các gia đình có người hiến tạng tại BV Việt Đức chiều 30-12.

Ngồi một góc riêng ở hội trường, bà Nguyễn Thị Lừng (Bắc Giang) khá mạnh mẽ. Người con trai duy nhất của bà, vừa tuột khỏi vòng tay mẹ vào ngày 12-12 vừa qua. Đó là một nỗi thống khổ của người mẹ già, vốn đã bị nhà chồng ruồng rẫy ngay từ khi cậu con trai này mới nảy mầm được một tháng 10 ngày. 18 năm qua, một mình bà lặng lẽ nuôi con. 18 ngày qua, bà lặng lẽ gặm nhấm nỗi đau tột cùng của sự ly biệt mà bà bảo: “Tôi chỉ muốn nhảy lầu chết theo con”.

Ngày 12-12, cậu con trai trên đường đi làm về không may bị tai nạn. Một tuần nằm viện phẫu thuật, mọi sự kỳ vọng dần tuột khỏi tay. Bác sĩ bảo, con trai bà không thể qua khỏi. “Bà có muốn hiến tạng cho mình cứu những người khác không?”. Câu hỏi của bác sĩ như cứa vào lòng bà. Nỗi đau của sự ly biệt ngấm dần. Bà vật vã suốt một đêm rồi quyết định hiến tạng con: “Mình đã khổ cả một đời. Nhưng những người mẹ khác, cũng sẽ đau khổ thế nào khi con mình không thể được cứu sống. Mình muốn bộ phận con mình được tiếp tục sống và muốn người mẹ khác giữ được nụ cười của mình”.

Giờ đây, mọi niềm hy vọng trong bà dường như đã vụt tắt khi đứa con trai duy nhất bà dồn mọi tình yêu thương nuôi nấng thành người đã ở thế giới khác. Nhưng bà cũng không kỳ vọng người được nhận tạng con mình phải tìm về. Bà bảo: “Nếu tôi giúp được cho ai thì giúp chứ không muốn người đó gặp tôi hay cảm ơn. Tôi không mong họ biết tôi là ai. Tôi chỉ muốn biết cơ thể con tôi đã hiến đang sống trong người khác khỏe mạnh là tôi mãn nguyện”. Bà có lẽ là người mẹ mạnh mẽ nhất trong hội trường hôm nay, giữa 20 gia đình có người thân hiến tạng. 

Con chúng tôi vẫn còn tồn tại trên cuộc đời này -0
 20 gia đình được tri ân hôm nay đều có những câu chuyện vô cùng xúc động về nghĩa cử "Cho đi là còn mãi".

Đến trước lễ tri ân cả một giờ đồng hồ, chị Nguyễn Thị Huyền (Từ Sơn, Bắc Ninh) không ngừng lau nước mắt khi ngồi bên cạnh người thân. Chồng chị - anh Mạnh vừa rời bỏ chị và bốn đứa con bơ vơ trên cõi đời này hơn 100 ngày trước. Ngày anh tử nạn, 25-7-2020, hai cậu con trai sinh đôi của chị mới 15 tháng, ra vào viện như cơm bữa.

Chỉ vài giờ trước khi gia đình chị rơi vào bi kịch, hai con trai của chị đang ốm trực chờ đi viện. Trước khi đi làm, anh Mạnh chỉ nói với vợ: Anh đi để kiếm tiền không năm mẹ con ở chết đói. Thế rồi anh đi tuốt tới tối mịt chưa về. Tin nhắn cuối cùng anh để lại vẻn vẹn vài dòng: “Anh có tiền 2-9, tối về anh cho vợ tiền”. Nhưng anh không về nữa. “Tôi ân hận nhất là anh gọi nhiều cuộc điện thoại nhưng vì con ốm, tôi không thể nghe được. Cuộc gọi nhỡ cuối cùng 10 giờ đêm”, chị Huyền kể.

11 giờ đêm ngày 25-7, chị đã ngất khi nghe tin chồng mình tai nạn ngay gần nhà và không thể qua khỏi. Hai đứa con ốm đau đang chuẩn bị sẵn túi đi viện. Nếu chị gục ngã, ai sẽ chăm con? Nén nỗi đau của sự vĩnh biệt, hôm sau chị lần lượt đưa từng đứa con vào viện để điều trị viêm đường hô hấp dưới. Mọi việc tại BV Việt Đức, chị gái chị đứng ra lo liệu. 

Nhìn bốn đứa con thơ dại, hai đứa còn ngây ngô chưa nói tròn vành rõ chữ, chị Huyền kìm chặt nỗi đau tận đáy lòng, gật đầu với gia đình ký đơn hiến tạng. “Tôi chỉ mong được nhìn thấy trái tim của chồng còn sống, mong được gặp những người đang mang một phần cơ thể chồng mình khỏe mạnh, để cho con tôi được cảm nhận trái tim của bố, cảm nhận bố còn sống”, chị Huyền nói trong nghẹn ngào.

Hôm nay, chỉ mới qua 100 ngày, hai đứa con nhỏ đang húng hắng ho vì trở trời, chị vẫn quyết tâm gửi con để có mặt trong buổi tri ân này. “Tôi muốn chính tay tôi nhận những tấm lòng tri ân này. Tôi muốn con tôi tự hào về bố”.

Cũng như những người mẹ đã từng trải qua nỗi đau thống khổ khác, chị Nguyễn Thị Hương (Bắc Giang) vẫn không tin được là cậu con trai lớn của mình đã bỏ đi một nơi xa như thế. Chỉ còn một tuần nữa, sẽ là giỗ đầu đứa con trai ngoan ngoãn của chị.

Chị bảo, con trai chị 19 tuổi sống quá đẹp nhưng không may khi cháu đã không may mắn còn được sống trên cõi đời này. Nén những nỗi đau xót đến tận tim can, chị tự nhủ, ngoài kia còn bao nhiêu gia đình cũng sẽ rơi vào cảnh mất con như chị, nếu không có được tim, gan, phổi, thận... Trước khi quyết định hiến tạng, chị thì thầm với con trai "Nếu mẹ đau xót mà mang sự đau xót đó đi thì quá uổng. Mẹ thà hy sinh đau đớn một chút nhưng con mang niềm hạnh phúc đến cho nhiều người. Mẹ chỉ mong sự ngoan ngoãn, trẻ trung của con tiếp tục được bước trên đường đời trong cơ thể người khác”.

Con chúng tôi vẫn còn tồn tại trên cuộc đời này -0
 GS, TS, AHLĐ Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức gửi lời tri ân tới thân nhân người hiến tạng.

Chị Hương có lẽ là một trong số không nhiều những ông bố, bà mẹ tại lễ tri ân được gặp lại người đã nhận tạng hiến từ con mình. Hai tháng trước, chị đã như một lần được sống lại khi biết tin, tim và phổi con mình vẫn đang sống khỏe mạnh trong cơ thể người khác. Chị cũng đã gặp được một người nhận tạng con mình và không ngừng dặn dò “Cháu hãy sống thật tốt, có ích với gia đình, sống cho mình phải sống tiếp cho em nữa, đừng sống để mọi người oán trách”.

"Cho đi là còn mãi" - đó là câu nói đẹp đẽ thật đúng với những hành động cao đẹp của những con người ngồi tại hội trường hôm nay khi đã quyết định hiến tạng con mình, chồng mình cho sự sống của nhiều người khác. Họ không mong gì hơn là nhịp đập, hơi thở của người thân mình vẫn còn khỏe mạnh ở trong cơ thể người nào đó. 

GS, TS, AHLĐ Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức chia sẻ, trong hàng chục năm qua, đã có 1.100 người bệnh được ghép thận, 90 ca ghép gan, 34 người ghép tim và năm người bệnh được ghép phổi. Tất cả người nhận tạng ghép đều đang sống khỏe mạnh, nhờ vào tạng hiến của người cho chết não.

Trong năm qua, đã có hơn 20 gia đình đồng ý hiến tạng con mình, chồng mình để cứu sống thêm nhiều người khác. Nhờ vào nghĩa cử cao đẹp hiến tạng của các gia đình, thầy thuốc và nhân viên y tế BV Việt Đức mới có thể tiến hành kỹ thuật cao, trở thành trung tâm lớn nhất cả nước về ghép tạng, được người bệnh và đồng nghiệp tin tưởng.

Tại buổi lễ, phát biểu trước 20 gia đình có người thân chết não hiến tạng, GS Trần Bình Giang xúc động nói: "Chúng tôi bày tỏ lòng tri ân chân thành, sâu sắc của các thầy thuốc và cán bộ BV Việt Đức cũng như thay lời cho người bệnh nhận nguồn tạng hiến tới nghĩa cử cao đẹp này, bày tỏ lòng biết ơn tới người hiến tạng và thân nhân người hiến tạng. Qua buổi lễ, chúng tôi muốn gửi thông điệp: Khi người thân mất đi, nếu có thể được thì hiến một phần cơ thể để cho đi là còn mãi".