Lễ hội đã có từ hàng trăm năm nay, được tổ chức từ ngày 19 đến 24-2 âm lịch hằng năm nhằm tưởng nhớ, tôn vinh Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh với các nghi thức truyền thống khá đặc sắc được duy trì qua các thế hệ. Năm nay, lễ hội diễn ra đúng vào dịp tưởng nhớ 1770 năm Ngày Bà Triệu hy sinh trên núi Tùng.
Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) đã cùng anh trai Triệu Quốc Đạt dấy binh, phất cờ khởi nghĩa chống ách đô hộ Đông Ngô với câu nói đầy khí phách đã đi vào sử sách: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở Biển Đông, lấy lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ đâu chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Bà Triệu hy sinh trên núi Tùng năm 248 khi mới 23 tuổi, nhưng hình ảnh Bà cưỡi voi ra trận đã trở thành biểu tượng lẫm liệt về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của người phụ nữ Việt Nam, làm cho quân thù phải khiếp sợ. Để tỏ lòng biết ơn, nhân dân ta đã xây dựng đền thờ Bà Triệu ở trên triền núi Gai, lăng Bà Triệu ở núi Tùng và đình Bà Triệu ở làng Phú Điền, xã Triệu Lộc tạo thành một quần thể tam giác di tích văn hóa lịch sử ghi dấu cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Ngô một thời gian khổ, hào hùng.
Hiện tại, khu quần thể di tích đền Bà Triệu đã được tôn tạo, phục dựng khang trang theo đúng như kiến trúc truyền thống trước đây và là một điểm về nguồn, du lịch tâm linh hấp dẫn. Vào dịp tổ chức lễ hội đền hằng năm, hàng chục nghìn người đã đổ về đây dâng hương, tham dự các nghi thức tưởng nhớ và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc. Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn trong không gian rộng theo một quy trình khép kín rất chặt chẽ của đền - lăng và đình. Tại các điểm di tích đều diễn ra tế lễ với nghi thức trang trọng, điểm nhấn là lễ tế, rước kiệu, tế nữ quan tại đền Bà Triệu. Riêng đình Bà Triệu ở làng Phú Điền có tổ chức nghi thức hội với màn diễn Ngô, Triệu giao quân, tái hiện không khí xuất trận và chiến thắng của nghĩa quân Bà Triệu thuở nào. Bên cạnh đó, còn có hát chầu văn, một hình thức âm nhạc truyền thống, phổ biến của nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Ngoài các nghi thức trên còn có lễ Mộc Dục diễn ra tại đền và đình Bà Triệu vào các ngày 18 và 19-2 âm lịch, do các ông Từ chịu trách nhiệm thực hiện. Tiếp đó là tế Phụng Nghinh là thủ tục mời Vua Bà cùng lục bộ triều đình, hội đồng các quan thánh tổ bách gia về trong ngày húy kỵ, lễ này rất trang nghiêm và linh thiêng với thời gian tế nửa ngày. Việc rước bóng trong ngày hội là một thể thức hết sức quan trọng. Bát hương Vua Bà được rước trên kiệu do tám chàng trai trong trang phục khăn áo mầu đỏ, quần trắng, chân đất khênh cùng hộp tư trang, đĩa trầu cau. Người chủ tế được ban tổ chức lễ chọn kỹ càng giao nhiệm vụ đi dưới gầm kiệu, tiếp theo là kiệu song loan, có áo chầu, các hộp sắc phong... Đoàn rước đi từ đền đến lăng rồi về đình. Khi đến lăng, kiệu được đặt trên giá đỡ và làm thủ tục nghi thức khấn đức Bà, sau đó, đoàn rước kiệu, bát hương bóng Bà về đặt giữa đình và tiếp tục tế lễ một ngày, một đêm gồm các tế yên vị, tế tam sanh. Lễ Vua Bà sẽ chính thức diễn ra trong hai ngày 22 và 23-2 âm lịch. Ngày 24-2 âm lịch thuộc vào ngày chính kỵ, sẽ không tế mà chỉ làm lễ với một số lễ vật riêng theo nghi thức truyền thống...
Lễ hội đền Bà Triệu hằng năm chỉ diễn ra gần một tuần, nhưng để lại nhiều ấn tượng cho những người trảy hội. Đây cũng là một trong số ít những lễ hội truyền thống có kịch bản tổ chức khá chặt chẽ, được duy trì từ trước đến nay, thể hiện sự thành kính và mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về lòng yêu nước, đối nhân xử thế và biết ơn đối với các bậc tiền nhân, Anh hùng dân tộc. Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh, về nguồn, phù hợp cuộc sống hiện đại, lễ hội đền Bà Triệu đã và đang có những đổi mới về cách thức tổ chức, vừa bảo đảm sự hưởng thụ về văn hóa tinh thần, vừa đáp ứng nhu cầu vui chơi, giới thiệu được văn hóa, nghệ thuật xứ Thanh.