Sáng chủ nhật 27-5, không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm tưng bừng hơn với các hoạt động của lễ hội kỷ niệm 590 năm Ngày Vua Lê Thái Tổ lên ngôi. Rất đông người dân, du khách đổ về khu vực này để xem đoàn rước kiệu truyền thống. Đi đầu là xe mô hình có hình ảnh Vua Lê, Rùa Vàng..., nối tiếp là đội múa lân rồng, trống chiêng rộn ràng, đội múa cờ hội, múa sinh tiền, phường bát âm, kiệu lễ, kiệu Long đình, kiệu Bát cống, kiệu Võng, lọng, tàn, tán... Phía sau còn có đội trẻ Bồ Đề hát đồng dao cùng đông đảo quần chúng tham gia diễu hành.
Đầu thế kỷ 15, đất nước ta bị nhà Minh xâm lược. Với lòng yêu nước nồng nàn, nghĩa khí cao cả, từ núi rừng Lam Sơn (tỉnh Thanh Hóa), Lê Lợi đã lập hội thề Lũng Nhai, dựng cờ khởi nghĩa. Trải qua mười năm kháng chiến gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, năm 1427, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã giành thắng lợi, chấm dứt 20 năm ngoại bang đô hộ nước ta. Trong niềm hân hoan của cả dân tộc, ngày 15-4 năm Mậu Thân (1428), Lê Lợi chính thức đăng quang tại điện Kính Thiên, thành Đông Quan (nay thuộc khu di tích Hoàng thành Thăng Long), lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, ban Bình Ngô Đại Cáo, mở ra thời kỳ thịnh trị, đặt nền móng cho công cuộc phục hưng văn hóa Đại Việt. Dân gian còn lưu truyền câu ca: "Thời vua Thái Tổ, Thái Tông/Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng buồn ăn".
Truyền thuyết kể rằng, đầu năm 1428, Vua Lê Thái Tổ cùng quần thần bơi thuyền trên hồ Tả Vọng đã trả lại gươm thần cho Rùa Vàng, từ đó mà đổi tên hồ thành hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm. Năm 1894, Kinh lược sử Hoàng Cao Khải đã hưng công dựng tượng Vua Lê bên hồ Hoàn Kiếm, đặt phía sau đình Nam Hương. Tượng Vua Lê được đúc bằng đồng, đứng trên trụ đá tròn cao, tay phải cầm kiếm, đầu đội mũ bình thiên, mặc áo long bào…, tư thế rất hiên ngang. Khu di tích tưởng niệm Vua Lê Thái Tổ gắn với đình Nam Hương đã tạo thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa trang nghiêm cổ kính, nơi bảo lưu những truyền thống văn hóa tốt đẹp giữa lòng Thủ đô, một trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng có giá trị tiêu biểu. Chính những ý nghĩa và giá trị trường tồn đó, "Công trình tưởng niệm Vua Lê Thái Tổ" và “Di tích lịch sử văn hóa đình Nam Hương” đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia để giữ gìn, bảo tồn và lưu truyền mãi mãi cho các thế hệ mai sau.
Hằng năm, cứ đến ngày 15-4 (âm lịch), nhân dân quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung lại thành kính dâng hương, rước lễ tưởng nhớ công đức của Vua Lê Thái Tổ. Tại lễ hội kỷ niệm 590 năm Ngày Vua Lê Thái Tổ đăng quang, sau nghi lễ dâng hương tưởng nhớ đức vua, phần hội đã diễn ra tại sân khấu chính và không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Các nghệ sĩ Nhà hát chèo thành phố đã biểu diễn trích đoạn sân khấu Lê Lợi đăng quang, và nhiều tiết mục chèo, ca trù… ca ngợi những chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Trên vỉa hè bờ hồ Hoàn Kiếm là nơi giới thiệu, trưng bày những dòng tranh dân gian, biểu diễn thư pháp, tổ chức các trò chơi dân gian cho thiếu nhi…, tạo thành một không gian đậm chất văn hóa truyền thống.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho biết, lễ hội kỷ niệm Ngày Vua Lê Thái Tổ đăng quang là dịp để ôn lại những trang sử vẻ vang, truyền thống hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Đồng thời, ghi nhận, tôn vinh và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tín ngưỡng dân gian truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhằm làm cho nhân dân và cán bộ quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội hiểu biết thêm về sự hình thành và tồn tại, những giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc trưng gắn với sự phát triển của Thăng Long - Hà Nội.