Lễ hội kỷ niệm 200 năm ngày danh thần Thoại Ngọc Hầu lập làng Thoại Sơn

NDO -

Tối 10/4, tại quảng trường Thoại Ngọc Hầu, Đảng bộ huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang đã tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn năm 2022 với chủ đề “Thoại Sơn, sáng danh tên làng - vươn tầm cao mới”.

Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân tặng quà cho các gia đình chính sách tiêu biểu.
Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân tặng quà cho các gia đình chính sách tiêu biểu.

Phát biểu tại buổi khai mạc, bà Nguyễn Thị Minh Kiều, Bí thư Huyện ủy Thoại Sơn thông tin, hòa với niềm vui chung của cả dân tộc, kế thừa và phát huy truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công đức của các bậc tiền hiền, hôm nay, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện nhà long trọng tổ chức khai hội “Lễ hội văn hóa truyền thống huyện Thoại sơn lần thứ XXI” gắn kỷ niệm “200 năm danh thần Thoại Ngọc Hầu dựng bia, lập làng Thoại Sơn (1822-2022)”, chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang, đồng thời ghi dấu ấn kết nghĩa 3 quê hương Thoại Sơn-Sơn Trà-Vũng Liêm, 3 địa danh gắn liền với nơi sinh ra, lớn lên và thành danh của danh thần Thoại Ngọc Hầu.

Ngược dòng lịch sử về thời gian hơn 1.400 năm trước, vùng đất quanh chân núi Ba Thê, Óc Eo, Thoại Sơn ngày nay là địa điểm tụ cư lâu đời, là kinh đô từ thời Vương Quốc Phù Nam và sau đó dòng chảy lịch sử đã chấm dứt vai trò của kinh đô này sau thế kỷ thứ VII với nhiều nguyên nhân khác nhau.

Đến năm 1818, như một duyên định, Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại) đến Thoại Sơn đào kênh Thoại Hà nối Long Xuyên-Rạch Giá, dựng bia và lập làng Thoại Sơn đã mở mạch sống, đánh thức vùng đất Thoại Sơn. Từ đây, vùng đất Thoại Sơn đã dần trở thành một phần quan trọng trong tiến trình lịch sử giữ nước, an dân của triều Nguyễn trên vùng đất An Giang xưa.

Kết thúc việc đào kênh, nhận thấy những lợi ích vượt ngoài mong đợi của dòng kênh mới, vua Gia Long đã cho phép lấy tên ông để đặt tên kênh là Thoại Hà, núi Sập được cải tên là Thoại Sơn. Để đánh dấu cho công trình trọng đại, Thoại Ngọc Hầu đã soạn một áng văn, khắc vào bia đá.

Để bày tỏ lòng thành kính và tri ân, nhân dân đã lập đền thờ Thoại Ngọc Hầu suốt bao đời nay, với tư cách là bậc tiền hiền, là một vị phúc thần của làng Thoại Sơn xưa và huyện Thoại Sơn ngày nay.

Với những giá trị đó, ngày nay, cả ba thiết chế di tích lịch sử, văn hóa là bia Thoại Sơn, Đình Thần và lễ hội kỳ yên Đình Thoại Ngọc Hầu đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Kế thừa những di sản vô giá của tiền nhân trong công cuộc khẩn hoang mở cõi và bảo vệ quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thoại Sơn luôn thể hiện khí chất kiên trung, đoàn kết một lòng, không ngại hy sinh, gian khổ lập nên nhiều chiến công oanh liệt, góp phần cùng cả nước đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Thoại Sơn là huyện đầu tiên của tỉnh An Giang được Chủ tịch nước phong tặng hai danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2000) và Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới (năm 2009).

Đến năm 2019, đánh dấu kỷ niệm 40 năm ngày tái lập huyện (1979-2019), Thoại Sơn đã xuất sắc là huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và vinh dự đón nhận Quyết định công nhận Huyện nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời cũng là huyện đầu tiên của cả nước đạt được cả ba danh hiệu trên.

Thoại Sơn tự tin hướng về tương lai với nhiều kỳ vọng, quyết tâm đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, hoàn thành xây dựng “Huyện nông thôn mới nâng cao” trước năm 2025 và phấn đấu hướng đến phát triển Thoại Sơn đạt chuẩn đô thị loại 3 vào năm 2029 nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày tái lập huyện Thoại Sơn.

*Tại buổi lễ, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước đã tặng 50 phần quà cho các gia đình chính sách tiêu biểu địa phương; đồng chí Võ Thị Ánh Xuân cùng các đại biểu đã dâng hương tại đình thần Thoại Ngọc Hầu tưởng nhớ công lao của danh thần Thoại Ngọc Hầu và các tiền nhân.