Lễ hội Hoa-Kiểng Chợ Lách dự kiến thu hút khoảng 20 nghìn lượt khách tham quan

NDO - Ngày 15/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre tổ chức buổi cung cấp thông tin về Lễ hội Hoa-Kiểng Chợ Lách, đánh dấu đây là sự kiện đầu tiên của năm 2025 đón chào “Ngày truyền thống tỉnh Bến Tre” vừa được Chính phủ ra quyết định vào ngày 27/11/2024.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội Hoa-Kiểng Chợ Lách năm 2025 sẽ giới thiệu với khách tham quan nhiều loại hoa, kiểng độc đáo. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)
Lễ hội Hoa-Kiểng Chợ Lách năm 2025 sẽ giới thiệu với khách tham quan nhiều loại hoa, kiểng độc đáo. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)

Lễ hội Hoa–Kiểng Chợ Lách sẽ được tổ chức từ ngày 8 đến 12/1/2025 tại Làng Văn hóa-Du lịch huyện Chợ Lách. Đây là mô hình làng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn thí điểm xây dựng.

Theo Ban tổ chức, Lễ hội Hoa-Kiểng Chợ Lách hứa hẹn là ngày hội của hàng chục nghìn nông dân giỏi các các cấp, hàng nghìn nghệ nhân sinh vật cảnh… và là nơi gặp gỡ của một cộng đồng nông dân miệt vườn thông minh và không ngừng đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh mục tiêu quảng bá, nâng cao hình ảnh và liên kết chuỗi giá trị ngành hàng hoa kiểng địa phương, đây còn là dịp tôn vinh, biểu dương thành tích của nhà vườn, nghệ nhân, doanh nông tiêu biểu.

Lễ hội Hoa-Kiểng Chợ Lách dự kiến thu hút khoảng 20 nghìn lượt khách tham quan ảnh 1

Quang cảnh buổi cung cấp thông tin về Lễ hội Hoa-Kiểng Chợ Lách năm 2025.

Lễ hội dự kiến thu hút 1.000 đại biểu khách mời quản lý nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, nghệ nhân, nhà vườn tiêu biểu; khoảng 20.000 lượt khách tham quan, khách du lịch tham dự trong suốt các ngày diễn ra lễ hội giữa rực rỡ sắc hoa Làng Văn hóa-Du lịch Chợ Lách.

Theo Ban tổ chức, lễ hội có hơn 100 gian hàng thương mại thuộc các lĩnh vực: hoa kiểng, cây giống; dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp liên quan đến ngành hàng hoa kiểng, cây giống.

Ngoài hoạt động quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại, Lễ hội Hoa-Kiểng Chợ Lách còn hình thành các không gian văn hóa, trưng với nhiều hoạt động sôi nổi như: Không gian văn hóa chọi gà nghệ thuật huyện Chợ Lách, năm 2025; không gian văn hóa sinh vật cảnh huyện Chợ Lách; không gian văn hóa Đờn ca tài tử; không gian du lịch, ẩm thực và trò chơi dân gian miệt vườn; không gian trưng bày thành tựu kinh tế nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu huyện Chợ Lách; không gian kết nối thương mại điện tử ngành hàng hoa-kiểng, cây giống…

Lễ hội Hoa-Kiểng Chợ Lách dự kiến thu hút khoảng 20 nghìn lượt khách tham quan ảnh 2

Lễ hội Hoa-Kiểng Chợ Lách hứa hẹn sẽ mang đến một “Sắc màu Chợ Lách” được phản ánh vừa sinh động, tươi mới. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp)

Đặc biệt, Lễ hội Hoa-Kiểng Chợ Lách dự kiến sẽ xác lập kỷ lục Guiness về Tuyến đường hoa kiểng do cộng đồng tạo tác dài nhất Việt Nam (Tuyến đường huyện lộ 34, 35, 37 dài 15km với các loại cây hồng lộc, vạn niên tùng, hoa giấy, hoa cúc...).

Bên cạnh đó, lễ hội còn có các hoạt động diễu hành xe hoa thiết kế biểu tượng thành tựu kinh tế nông nghiệp và thương hiệu đặc trưng địa phương; hội thi Bonsai-Mai vàng; ra mắt bộ linh vật, mascot của Làng Văn hóa-Du lịch Chợ Lách và bộ sản phẩm quà tặng lưu niệm cho khách du lịch; giới thiệu và đón tiếp các đoàn khách du lịch, công ty lữ hành kết nối 3 chương trình tour–tuyến mới được công bố trong khuôn khổ lễ hội. Đặc biệt là Dự án du lịch nông thôn xanh sẽ được triển khai thí điểm tại Làng Văn hóa-Du lịch Chợ Lách trong năm 2025.

Lễ hội Hoa-Kiểng Chợ Lách hứa hẹn sẽ mang đến một “Sắc màu Chợ Lách” được phản ánh vừa sinh động, tươi mới, vừa sáng tạo, đầy cảm xúc trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội huyện nhà. Đó là một quá trình chuyển đổi nhận thức, tư duy, chiến lược cơ cấu nông nghiệp địa phương: Từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần đến kinh tế nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp và hướng đến chia sẻ giá trị văn hóa nông nghiệp vốn được hình thành mang tính đặc hữu của một vùng đất mang trong mình lịch sử nghề làm cây giống, hoa kiểng hàng trăm năm nay - “Văn minh miệt vườn”, “Văn minh sông nước”.