Phát triển chuỗi giá trị ngành hàng hoa kiểng

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã chọn ngành hàng hoa kiểng (cây cảnh) là một trong năm ngành hàng đóng vai trò chủ lực, tạo động lực đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có diện tích trồng hoa kiểng hơn 3.000 ha, tăng hơn 4 lần so cách đây 8 năm.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan làng hoa Sa Đéc.
Du khách tham quan làng hoa Sa Đéc.

Nhà nông ở Đồng Tháp đã ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lai tạo, thuần dưỡng, chuyển giao giống mới, áp dụng nhiều kỹ thuật canh tác để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm hoa kiểng. Tuy nhiên, hoa kiểng vùng đất sen hồng vẫn còn đan xen với những khó khăn, bất cập trong chuỗi giá trị ngành hàng.

Nhìn từ xứ sở trồng hoa kiểng trăm năm

Sa Đéc là vùng đất được hình thành và phát triển khoảng 300 năm, có bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa, là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội phía nam sông Tiền tỉnh Đồng Tháp.

Vùng đất này nổi tiếng với làng nghề truyền thống như: Làng hoa Tân Quy Đông, làng bột Tân Phú Đông, được hình thành từ những năm đầu thế kỷ 20, đến nay, làng hoa kiểng Sa Đéc có diện tích trồng hoa kiểng khoảng 950 ha, với hơn 4.000 hộ dân trồng hơn 2.000 chủng loại hoa kiểng khác nhau; trong đó, đặc trưng là hoa hồng và các loại cúc: Mâm xôi, tiger, pi-cô.

Bên cạnh đó, kiểng lá, kiểng cổ bonsai và cây công trình cũng là thế mạnh của làng hoa kiểng Sa Đéc.

Trước diện tích trồng hoa kiểng quy mô nên thành phố Sa Đéc được mệnh danh là một trong những vựa hoa kiểng nổi tiếng của khu vực Tây Nam Bộ.

Theo từng giai đoạn lịch sử, làng hoa Sa Đéc có những bước thăng trầm, nhưng luôn tạo công ăn việc làm cho người lao động có cuộc sống ổn định tại quê nhà, giải quyết bài toán khó cho nhiều địa phương “ly nông bất ly hương”.

Làng hoa Sa Đéc không chỉ là nơi sản sinh ra các nghệ nhân, thợ giỏi, tạo ra những sản phẩm đặc trưng, độc đáo tỉnh Đồng Tháp nói chung và thành phố Sa Đéc nói riêng, mà còn là nơi học hỏi, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, góp phần phát triển, tăng thu nhập cho cuộc sống người dân địa phương.

Những năm gần đây, Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc đã thuê đơn vị tư vấn của Pháp thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung toàn thành phố để làm cơ sở triển khai thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị, bảo tồn phát triển làng hoa, cũng như phát triển du lịch. Từ đây, chuỗi giá trị ngành hàng hoa kiểng cũng được phát huy.

Trưởng phòng Kinh tế thành phố Nguyễn Thị Ngọc cho biết, địa phương đã làm thay đổi nhận thức, tư duy của người dân làng hoa từ đơn thuần trồng hoa kiểng để bán, nay chuyển dịch thành trồng hoa kiểng kết hợp với dịch vụ du lịch trải nghiệm, xây dựng các điểm check-in thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Huỳnh Thị Hoài Thu, thông qua những hoạt động trồng hoa kiểng, mua bán hoa kiểng, người dân đã cùng nhau chung tay phát triển du lịch, tham gia phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Chính từ những người nông dân sản xuất riêng lẻ, bây giờ đã kết nối lại, tham gia trong cộng đồng chung, cùng nhau sản xuất hoa, cùng phát triển du lịch.

Từ một làng hoa khiêm tốn, đến nay, Sa Đéc đã mang hình hài, dáng vóc của một thành phố hoa. Hoa kiểng Sa Đéc hiện diện ở nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam và đã bắt đầu hành trình vươn xa ra thị trường quốc tế.

Mỗi năm, Sa Đéc cũng đã trở thành điểm đến của hàng triệu lượt du khách để chiêm ngưỡng, trải nghiệm, hòa mình vào không gian xanh mát, đầy màu sắc của cây, lá và hoa.

Phát biểu khai mạc tại Festival hoa kiểng lần thứ nhất, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết: “Người trồng hoa kiểng ở Sa Đéc đang nỗ lực từng ngày, nhạy bén, năng động, sáng tạo để giữ lửa cho nghề, truyền nghề và phát triển, vươn xa. Festival lần này được kỳ vọng không chỉ mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm thú vị, thưởng thức những chương trình nghệ thuật đặc sắc, mà còn là cơ hội để kết nối, phát huy giá trị kinh tế ngành hàng hoa kiểng, đưa sản phẩm hoa kiểng Sa Đéc vươn xa và lên một tầm cao mới”.

Nỗ lực phát triển chuỗi ngành hàng

Ngành hàng hoa kiểng ở Đồng Tháp, trong đó có thành phố Sa Đéc đã có nhiều nỗ lực trong phát triển chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nguyễn Văn Vũ Minh cho rằng, ngành hàng hoa kiểng vẫn còn đan xen với những khó khăn, bất cập trong chuỗi giá trị ngành hàng.

Diện tích sản xuất hoa kiểng thiếu vùng sản xuất tập trung quy mô lớn hướng đến tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu; công tác giống và quy trình canh tác còn nhiều hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu về giống chất lượng của ngành hoa kiểng, chưa làm chủ công nghệ nghiên cứu, lai tạo ra nhiều giống hoa mới phù hợp đặc điểm tự nhiên và mang nét đặc sắc địa phương...

Mới đây, tại hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng hoa kiểng tỉnh Đồng Tháp” do Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức, chuyên gia đến từ các viện, trường, trung tâm có nhiều đánh giá về tiềm năng phát triển ngành hoa kiểng.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam nhận định, tỉnh Đồng Tháp đang gặp khó trong việc phân công lại ngành nghề cho nên những ngành nghề liên quan đến nông nghiệp (trong đó có hoa kiểng) ngày càng giảm.

Số lao động ít, đồng thời lao động có kỹ năng, kinh nghiệm trong sản xuất hoa kiểng không nhiều và đa phần đã cao tuổi; trong khi nguồn nhân lực thiếu về số lượng và chưa tốt về chất lượng thì ngành hoa kiểng là ngành đặc thù, lại rất cần nguồn nhân lực vừa có kiến thức, vừa có tay nghề cao.

Ông Bùi Ngọc Đang, Chủ tịch kiêm Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ hoa kiểng Tân Dương, huyện Lai Vung cho rằng, cần có chính sách cho vay hỗ trợ vốn thời hạn sáu tháng hoặc một năm cho bà con trồng hoa kiểng vì vốn đầu tư rất lớn, cần để xoay vòng vốn, tái sản xuất.

Đề nghị ngành trồng các địa phương; Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao cần nghiên cứu để cung cấp nhiều giống hoa kiểng mới, kể cả nhập khẩu từ nước ngoài cho bà con sản xuất, vì nếu để cho doanh nghiệp tự đi nhập về thì thủ tục rất khó khăn.

Nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng hoa kiểng, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, thời gian tới, tỉnh cần có sự hợp tác với các bộ, ngành liên quan trong việc lên kế hoạch và phát triển đào tạo nghề cho ngành nông nghiệp.

Trong đó, đào tạo nhân lực ngành hoa kiểng cần quan tâm đến đặc thù; tăng cường kết nối giữa cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng trong các khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức đào tạo và tuyển dụng lao động.

Bà Mai Hồng, Điều phối viên Hiệp hội Nông nghiệp Hà Lan-Việt Nam cho biết: “Đơn vị sẽ hỗ trợ tỉnh xây dựng các chương trình nghiên cứu, chọn tạo giống cây kiểng phù hợp với điều kiện sinh thái của Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chọn tạo giống cây kiểng, tăng cường đào tạo, tập huấn cho người sản xuất về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhân giống hoa, cây kiểng để tạo ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường; khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hoa cây kiểng”.

Theo kế hoạch đến năm 2025, giá trị sản xuất ngành hàng hoa kiểng tỉnh Đồng Tháp đạt 7.000 tỷ đồng.

Diện tích trồng hoa kiểng toàn tỉnh đạt hơn 3.500 ha, trong đó thành phố Sa Đéc đạt hơn 1.100 ha; huyện Lai Vung đạt hơn 1.500 ha, huyện Lấp Vò đạt hơn 450 ha, thành phố Cao Lãnh 50 ha.

Thực hiện khảo nghiệm, chọn lọc và chuyển giao cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu từ 2-3 giống hoa kiểng mới phù hợp điều kiện tự nhiên, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.