"Lễ hội đền Cửa Ông" đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

NDO -

NDĐT - Sáng 28-2, tại đền Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) đã diễn ra lễ hội đền Cửa Ông năm 2017 và đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho đền Cửa Ông.
Trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho đền Cửa Ông.

Mở đầu lễ hội là lễ dâng hương, sau đó là lễ rước và màn trống hội “Triều Trần” kết hợp với màn múa cờ, dụng cụ binh võ của hơn 100 diễn viên đoàn chèo Quảng Ninh thể hiện hào khí Đông A. Lễ hội đền Cửa Ông tổ chức vào hai ngày mùng 3 và 4 tháng 2 và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch vào năm chẵn.

Sau phần lễ là phần hội với nhiều nội dung đa dạng, phong phú mang đậm bản sắc văn hóa dân gian của người Việt với các hội thi như chọi gà, thi đấu cờ người, hát quan họ, thi đua thuyền, thi bịt mắt đạp niêu, thi dâng soạn lễ, đẩy gậy, kéo co…

Ðền Cửa Ông là một trong những di tích nhà Trần nổi tiếng ở vùng Ðông Bắc. Ðền có ba khu: đền Hạ, đền Trung và đền Thượng tạo thành quần thể kiến trúc hình chân vạc trông ra vịnh Bái Tử Long hùng vĩ. Trong chiến tranh, đền Trung và đền Hạ đã bị phá hủy. Ngày nay, đền Hạ đã được tôn tạo.

"Lễ hội đền Cửa Ông" đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 1

Màn múa trống hội Triều Trần thể hiện hào khí Đông A.

Hiện, khu di tích đền Cửa Ông đang hoàn thiện các hạng mục quy hoạch với nguồn vốn đầu tư khoảng hơn 500 tỷ đồng. Nổi bật là tuyến đường vành đai khu di tích từ khu vực tượng đài Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng đến bến phà Tài Xá dài hơn 1 km đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng; bãi đỗ xe được mở rộng rất nhiều tạo thuận lợi cho du khách tham quan, chiêm bái.

Đã hơn 20 năm lễ hội truyền thống đền Cửa Ông được tổ chức, điểm đặc biệt nhất năm nay là lễ hội kết hợp đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Việc lễ hội đền Cửa Ông được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia không chỉ là niềm tự hào, mà còn là thách thức đối với Ban Quản lý Đền, chính quyền, nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi đền.