Đền Bà Triệu thờ nữ tướng Triệu Thị Trinh, người đã lãnh đạo nhân dân ta khởi nghĩa chống ách cai trị của quân xâm lược phương bắc năm 248 với câu nói nổi tiếng, thể hiện khí phách quật cường của người dân nước Việt: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người ta". Bà Triệu hy sinh trên núi Tùng, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) lúc mới 23 tuổi xuân. Để tưởng nhớ và tôn vinh vị nữ tướng Anh hùng, nhân dân ta đã xây dựng đền thờ Bà Triệu trên núi Gai thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ngay gần khu vực đền là lăng Bà Triệu trên núi Tùng, nơi bà hy sinh và đình Bà Triệu ở làng Phú Điền. Ba di tích này đã tạo thành một quần thể tam giác vững chắc: đình - lăng - đền, được bảo vệ, giữ gìn nguyên dạng với các kiến trúc truyền thống có nguyên mẫu từ thế kỷ 18. Thời xưa, theo lời kể dân gian truyền lại, lúc ban đầu đền Bà Triệu được làm bằng tre, nứa, cột kèo gỗ luồng đơn sơ, trát vách đất, mãi đến thời Lý Nam Đế mới xây dựng lại bằng gạch, có đá làm móng. Cấu trúc của đền có ba cung mà ngày nay vẫn còn giữ được dấu tích của khu vực hậu cung, cung đệ nhị và cung đệ tam. Nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Đinh Đăng Định cũng đã chụp lại hiện trạng đó từ những năm 40 của thế kỷ trước, các cung đều bố trí có bài bản theo cách thức tín ngưỡng tâm linh thờ Bà Triệu và những người có công trong cuộc khởi nghĩa chống giặc Ngô xâm lược. Ngày nay được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đền Bà Triệu đã được tôn tạo phục dựng khang trang theo hình thức thời đó và đang là một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn với du khách gần xa.
Đối diện với đền Bà Triệu, lăng Bà Triệu tọa lạc trên đỉnh cao của núi Tùng với ba tầng bốn mái có bát hương, câu đối để tôn vinh khí phách anh hùng và công lao của bà. Lăng Bà Triệu bốn mùa lộng gió, uy nghi, thanh cao như khí tiết Triệu Thị Trinh, không có sức mạnh nào lay chuyển nổi. Trong khi đó, đình làng Phú Điền, nơi nhân dân địa phương thờ Bà Triệu, được xây dựng bề thế, cầu kỳ, gồm hậu cung, trung đường, tiền đường và được bài trí trang nghiêm thành kính. Hằng năm, từ ngày 19 đến 24-2 âm lịch, nhân dân và du khách thập phương lại đổ về dự hội với dân làng Phú Điền để tưởng nhớ Bà Triệu. Đây là một hoạt động văn hóa mang ý nghĩa "Uống nước nhớ nguồn". Lễ hội được tổ chức trong không gian rộng theo một quy trình khép kín rất chặt chẽ, liên quan các nghi lễ thành kính, trang trọng ở đền, lăng và đình. Các điểm di tích ấy đều diễn ra tế lễ truyền thống vừa kết hợp với lễ hội đương đại. Riêng đình làng Phú Điền có tổ chức nghi thức hội với trò diễn "Ngô, Triệu giao quân" khá hấp dẫn. Cùng thời gian này, tại đền Bà Triệu diễn ra các hoạt động tế lễ, rước kiệu, tế nữ quan. Trong phần hội không có trò diễn dân gian, mà chỉ có Hội trận, khơi dậy hào khí trận chiến chống quân Ngô xâm lược của nghĩa quân Bà Triệu. Tiếp sau đại lễ và lễ rước kiệu, còn có hát chầu văn, một hình thức diễn xướng âm nhạc truyền thống thường dùng cho nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
Một trong những nghi lễ quan trọng trong lễ hội là lễ Mộc Dục linh thiêng. Nghi lễ này được nhân dân địa phương chọn thực hiện vào ngày 18 hoặc 19-2 âm lịch ở cả hai nơi là đền và đình. Tiếp đó là tế Phụng Nghinh, là thủ tục mời Vua Bà cùng lục bộ triều đình, hội đồng các quan thánh tổ bách gia về trong ngày húy kỵ Vua Bà, lễ này rất trang nghiêm và linh thiêng, thời gian tế nửa ngày.
Việc rước bóng trong ngày hội là một thể thức hết sức quan trọng. Người ta đặt bát hương Vua Bà lên kiệu cùng với hộp tư trang, đĩa trầu cau và chọn tám chàng trai đức độ, mặc áo đỏ cộc tay, thắt lưng mầu đỏ, đầu chít khăn đỏ, quần trắng, chân đất để khênh kiệu. Đoàn rước đông người tham dự sẽ rước từ đền chính đến lăng rồi về đình làng. Đến lăng, kiệu được đặt trên giá đỡ và làm thủ tục nghi thức khấn đức bà, nhân ngày húy kỵ, để tưởng nhớ công ơn của bà với dân, với nước.
Sau đó, đoàn rước cử hành về đình làng để làm lễ Vua Bà trong hai ngày 22 và 23-2 âm lịch. Ngày 24-2 thuộc vào ngày chính kỵ, ngày này không tế mà chỉ làm lễ với một số lễ vật như 100 trứng sống, 100 quả dưa chuột, hai bát cơm đơm gạo trắng, ba quả trứng luộc, bánh dày, bánh gai, bánh chưng, bánh mật, v.v. Những đồ lễ đó mỗi loại có ý nghĩa và nội dung riêng.
Những ngày lễ hội đền Bà Triệu hằng năm chỉ diễn ra non một tuần nhưng những dấu ấn đặc sắc của lễ hội thì khó mà tả hết. Ngay trò diễn tại đình làng Phú Điền "Ngô, Triệu giao quân" đã có hàng trăm người từ lứa tuổi 18 đến 45 tham gia. Quá trình diễn ra lễ hội theo một kịch bản từ trước, hết sức thành kính với lòng biết ơn sâu sắc vị nữ tướng Anh hùng dân tộc. Ngày nay kịch bản lễ hội đền Bà Triệu đang được bổ sung, hoàn thiện, vừa mang đậm bản sắc truyền thống, vừa tạo ra sức hấp dẫn về văn hóa cũng như tâm linh hướng thiện.
Lễ hội và không gian khu di tích lịch sử văn hóa đền Bà Triệu là một di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá, đồng thời là một điểm đến, một sản phẩm du lịch tâm linh hấp dẫn của nhân dân xứ Thanh.