Cụ thể, chương trình năm nay có màn biểu diễn nghệ thuật thực cảnh và Carnaval trên biển đầu tiên tại Việt Nam, cũng là lần đầu tiên chương trình Carnaval tổ chức biểu diễn, diễu hành trên biển, trên bờ cát vịnh Hạ Long với yếu tố nghệ thuật nhạc kịch, kết hợp hài hòa giữa lịch sử, văn hóa để làm nổi bật Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long về đêm, khẳng định giá trị ngoại hạng của vịnh Hạ Long.
Trong chương trình có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật quốc tế: Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Thái Lan và nhóm nghệ sĩ châu Âu. Điểm nhấn nổi bật là Carnaval năm nay sử dụng công nghệ hiện đại tối tân trong dàn dựng chương trình, như: Drone light (máy bay không người lái xếp hình), pháo hoa, mapping...
Hải Phòng xếp thứ 2 cả nước về Chỉ số cải cách hành chính
Theo công bố của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, thành phố Hải Phòng xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố cả nước về Chỉ số cải cách hành chính trong năm 2023.
Với kết quả đạt 91,87% điểm về Chỉ số cải cách hành chính, tăng 1,72% điểm so với năm trước, Hải Phòng là một trong số 7 tỉnh, thành phố của cả nước nằm trong nhóm A và là lần thứ 4 liên tiếp Chỉ số PAR Index của thành phố đạt kết quả hơn 90% điểm. Cùng với đó, Hải Phòng cũng xếp thứ 5 cả nước về Chỉ số mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) với 88,9 điểm, tăng 5 bậc so với năm 2022.
Hải Dương xem xét hỗ trợ 26 dự án nông nghiệp hơn 600 tỷ đồng
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đề xuất tỉnh hỗ trợ đầu tư 26 dự án nông nghiệp ở 9 huyện, thành phố, thị xã với tổng chi phí gần 609 tỷ đồng. Trong đó có 22 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi thủy sản với quy mô 1.384 ha, 4 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp phát triển du lịch sinh thái có tổng diện tích 606 ha.
Nguồn vốn thực hiện dự án là vốn hỗ trợ có mục tiêu của cấp tỉnh để triển khai kế hoạch đầu tư công cấp huyện. Vì vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng địa phương xây dựng điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 làm căn cứ thực hiện.
Quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Hà Nam đạt 2,27 tỷ USD
Quý I/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh Hà Nam đạt 2,27 tỷ USD, tăng 139% so với cùng kỳ 2023. So với những năm gần đây, mức tăng 139% là con số ấn tượng, cho thấy sự phục hồi, phát triển của các doanh nghiệp sau thời gian dài gặp khó về thị trường đầu ra. Năm 2024, dự toán thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu của Chi cục Hải quan Hà Nam là 1.685 tỷ đồng; phấn đấu giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 8.705 triệu USD, tăng 17,6% so với năm 2023.
Khách du lịch đến Ninh Bình tăng mạnh
Theo Sở Du lịch Ninh Bình, trong tháng 4, tỉnh ước đón hơn 1.027,8 nghìn lượt khách, gấp hơn 2,1 lần so với tháng cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch tháng 4 ước đạt hơn 993,7 tỷ đồng, gấp hơn 2,2 lần so với tháng cùng kỳ năm trước.
Khách nước ngoài tham quan Đền thờ vua Đinh (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). |
Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay, ngành du lịch Ninh Bình dự kiến đón 550.000 lượt khách, tăng 60,8% so với cùng kỳ năm 2023 (342.000 lượt khách), trong đó có 45.000 lượt khách quốc tế, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2023 (24.300 lượt khách); doanh thu ước đạt 520 tỷ đồng.
Nhiều đoạn tuyến trên quốc lộ qua Thái Bình điều chỉnh thành đường địa phương
Thông tin từ Sở Giao thông vận tải Thái Bình cho biết, các đoạn tuyến trên các tuyến quốc lộ: 37, 37B, 39 qua tỉnh Thái Bình được điều chỉnh thành đường địa phương sau khi có các đoạn tuyến quốc lộ mới thay thế.
Trước đó, ngày 17/4/2024, Bộ trưởng Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 442/QĐ-BGTVT về việc điều chỉnh này. Việc chuyển đổi được thực hiện sau khi trên địa bàn đã có các đoạn tuyến quốc lộ mới thay thế. Các đoạn tuyến nêu trên sẽ được bàn giao để Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình quản lý, khai thác và bảo trì theo quy định.