Không thể phủ nhận nguyên nhân khách quan từ khó khăn chung của nền kinh tế, các nguồn lực đầu tư phát triển giảm mạnh, thị trường trong nước và xuất khẩu thu hẹp, sức mua sụt giảm, hàng tồn kho cao, nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản gia tăng, thị trường bất động sản trầm lắng... Song, cũng phải thừa nhận đây là hệ quả tất yếu của sự phát triển quá "nóng" của ngành xây dựng những năm qua, nhất là các DN kinh doanh bất động sản. Trong số các DN dừng hoạt động hoặc giải thể thì có tới 2.110 DN xây dựng, tăng 6,2% và 527 DN kinh doanh bất động sản, tăng 24,1% so với năm 2011. Số DN giải thể, dừng hoạt động gia tăng cùng hiệu quả kinh doanh của DN giảm sút đã khiến tăng trưởng của ngành xây dựng năm 2012 chỉ ở mức 10,3%, tương đương 6,1% GDP cả nước, trong khi năm 2011 tăng 16,9%, tương đương 6,41% GDP cả nước.
Tăng trưởng của ngành xây dựng đóng góp không nhỏ vào mức tăng trưởng kinh tế nói chung. Vì vậy, tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất Kinh doanh cho các DN ngành xây dựng là một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay. Trước hết, các DN ngành xây dựng cần chủ động thực hiện những giải pháp giảm lượng hàng tồn kho đồng thời thực hành triệt để tiết kiệm chi phí sản xuất. Chẳng hạn, trong khi lượng tồn kho nhà ở thương mại còn khá lớn thì phân khúc nhà ở xã hội, mặc dù đã có nhiều chính sách ưu đãi, nhưng chưa được các DN xây dựng quan tâm đúng mức. Mới đây, Chính phủ đã cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Ðây có thể là một giải pháp hữu hiệu trong thời điểm hiện nay, tuy nhiên về lâu dài, vẫn cần bám sát Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia với mục tiêu tăng nhanh diện tích nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Cũng như vậy, các DN sản xuất vật liệu xây dựng cần đẩy mạnh việc tiết giảm chi phí, đặc biệt là khâu nguyên nhiên liệu đầu vào (chiếm tới 50% giá thành sản phẩm), đồng thời "căn chỉnh" lại công tác bán hàng, phát triển sản phẩm mới. Sự giải thể, dừng hoạt động của hàng loạt DN ngành xây dựng thời gian qua để lại những bài học kinh nghiệm đắt giá về sự phát triển quá "nóng", buộc các DN phải nhìn nhận, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, mạnh dạn tái cơ cấu sản phẩm, DN cho phù hợp điều kiện thực tế của nền kinh tế, hướng tới sự phát triển bền vững...
Bên cạnh đó, việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cũng đóng vai trò quan trọng. Bộ Xây dựng với tư cách là cơ quan quản lý ngành hiện đang tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành xây dựng. Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị và Nghị quyết 02 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Việc cần làm hiện nay là tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở; kiểm soát việc phát triển đô thị theo kế hoạch và quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính liên quan đến thủ tục đầu tư, chuyển đổi dự án; công khai, minh bạch thông tin các dự án xây dựng; có chính sách ổn định, lâu dài cho các dự án về nhà ở xã hội; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn, năng lực của các DN xây dựng... Tuy nhiên, để những giải pháp này đạt hiệu quả cao, rất cần sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan như Bộ Giao thông vận tải trong phát triển, quản lý đô thị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong xây dựng và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực bất động sản... cùng sự tham gia tích cực của các địa phương.