Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ Viện Chăn nuôi, các thầy cô hướng dẫn và các nghiên cứu sinh (NCS).
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi, PGS.TS Phạm Doãn Lân nhấn mạnh: Qua 30 năm đào tạo trình độ Tiến sĩ (TS), Viện Chăn nuôi đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đào tạo, triển khai các nội dung hoạt động đào tạo theo đúng kế hoạch đề ra. Bám sát mục tiêu từng bước đẩy mạnh chất lượng đào tạo, nhiều giải pháp mới, sáng tạo đã được triển khai đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Viện Chăn nuôi đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam. Với định hướng lấy chất lượng đào tạo làm trọng tâm, là điều kiện tiên quyết để phát triển, Viện cam kết tiếp tục nâng cao vai trò trong hệ thống đào tạo và nghiên cứu khoa học, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế.
Trong 30 năm qua, Viện Chăn nuôi đã tuyển sinh 30 khóa, tổng số 168 NCS từ nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau theo 3 chuyên ngành: Di truyền và chọn giống vật nuôi, Dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi và Chăn nuôi. Hiện tại đã có 98 NCS bảo vệ thành công luận án và đã được cấp bằng Tiến sĩ (24 NCS ngành di truyền và chọn giống vật nuôi, 21 NCS ngành dinh dưỡng và thức ăn chăn nuôi, 53 NCS ngành chăn nuôi). Trong số các tiến sĩ đã tốt nghiệp, có 63 TS được đào tạo là nguồn nhân lực cho Viện Chăn nuôi; 35 TS là đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ quan khác. Hiện tại có 12 NCS đang theo học với 3 chuyên ngành nói trên.
PGS.TS Phạm Doãn Lân cho biết, nhiều kết quả nghiên cứu của các luận án Tiến sĩ được triển khai ứng dụng vào thực tiễn sản xuất mang lại hiệu quả cao, nhiều bài báo khoa học từ kết quả nghiên cứu đã được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực chăn nuôi. Nhiều tiến sĩ được đào tạo từ cơ sở Viện Chăn nuôi là đồng tác giả của các Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng của Nhà Nước về khoa học công nghệ. Nhiều tiến sĩ sau khi tốt nghiệp đã trở thành các nhà nghiên cứu khoa học giàu kinh nghiệm, các nhà quản lý, các chuyên gia tư vấn hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi.
Viện trưởng Viện Chăn nuôi, TS Phạm Công Thiếu phát biểu ý kiến tại Hội nghị. |
Chất lượng đào tạo tiến sĩ tại Viện Chăn nuôi không chỉ thể hiện qua các công trình nghiên cứu tiêu biểu mà còn ở những đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi. Những tiến sĩ được đào tạo tại Viện là nguồn lực quan trọng, góp phần nâng cao năng lực khoa học, công nghệ và đáp ứng các yêu cầu đổi mới trong lĩnh vực chăn nuôi.
Cơ sở đào tạo sau đại học của Viện Chăn nuôi được sự giúp đỡ của tập thể đông đảo các chuyên gia, Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ trong và ngoài Viện đối với công tác đào tạo và hướng dẫn NCS trong 30 năm qua. Đã có gần 100 thầy giáo tham gia hướng dẫn chính và phụ cho NCS tại Viện Chăn nuôi, trong đó có các thầy hướng dẫn nhiều NCS như: GS.TS Nguyễn Văn Thiện, PGS.TS Hoàng Văn Tiệu, TS Phạm Công Thiếu, TS Phùng Đức Tiến,...
Tại Hội nghị, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, TS Phạm Công Thiếu đã bày tỏ mong mỏi và kính chúc các NCS luôn tìm thấy sự đam mê trong học tập, nghiên cứu khoa học, hoàn thành xuất sắc khóa học và bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ, trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ đàn em noi theo. Các TS, NCS tiếp tục có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, tính thực tiễn cao, góp phần thắng lợi vào việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững để chăn nuôi trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng trong nông nghiệp.
Lễ trao bằng cho các NCS. |
Hội nghị kết thúc với lễ trao bằng trang trọng cho các NCS đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ những khóa gần đây.