Tham dự có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng đoàn giám sát; Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội; cùng các thành viên Đoàn giám sát.
Về phía chuyên gia mời tham gia Đoàn giám sát có Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Lê Tiến Châu.
Về phía cơ quan báo cáo có: Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.
Quy hoạch có tính đặc thù, đặc biệt
Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thực hiện Luật Quy hoạch 2017, việc triển khai lập Quy hoạch Thủ đô được xác lập từ năm 2019.
Tuy nhiên, đến năm 2021, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng thì phải triển khai song song đồng thời tổ chức lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kỳ rà soát và đồng thời triển khai xây dựng Chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quá trình triển khai các nhiệm vụ trên song song đồng thời và là nền tảng để xác lập, xác định các nội dung định hướng, quy hoạch chuyên ngành, ngành, lĩnh vực tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô bảo đảm thống nhất, đồng bộ.
Hiện nay, thành phố nghiên cứu đề xuất Quy hoạch Thủ đô có khoảng 17 nội dung chủ yếu đề xuất nghiên cứu tích hợp vào quy hoạch 39 nội dung ngành và khoảng 30 nội dung cấp huyện…
Thành phố Hà Nội lập Quy hoạch Thủ đô theo Luật Quy hoạch 2017, là quy hoạch lớn, mới, mang tính tích hợp, bao trùm. Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế, giao dịch quốc tế của cả nước. Do vậy, mang tính chất đặc thù, đặc biệt mà các tỉnh, thành phố khác không có.
Đồng thời, Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng đang được nghiên cứu lập song song theo phương thức phối hợp, tích hợp, nhiều nội dung còn chưa được xác lập, chưa rõ định hướng làm khó khăn trong việc xác lập một số nội dung định hướng trong Quy hoạch Thủ đô...
Phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Đoàn giám sát đánh giá cao Thành phố Hà Nội với 2 lần gửi báo cáo đúng hạn, nội dung tương đối đầy đủ và bám sát kế hoạch, đề cương theo yêu cầu của Đoàn giám sát. Hà Nội đã thực hiện được khối lượng công việc khá lớn, nổi bật là phối hợp lập và thẩm định quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, phối hợp, cung cấp thông tin, tham gia ý kiến khi các cơ quan lập quy hoạch yêu cầu.
Khắc phục tiến độ quy hoạch chậm
Với đặc điểm là đô thị đặc biệt, trái tim của cả nước, diện tích rộng, trong đó khu vực nông thôn lớn, dân số đông, mức độ tập trung lớn, đa dạng về văn hóa, trình độ phát triển kinh tế rất khác nhau giữa các khu vực, Thủ đô Hà Nội gặp những khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện lập quy hoạch.
Đến ngày 7/3 mới được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, như vậy dù đã đạt kết quả bước đầu nhưng Hà Nội là một trong hai thành phố trực thuộc trung ương có tiến độ lập quy hoạch chậm nhất.
Hà Nội còn nhiều quy hoạch chưa hoàn thành như: Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, quy hoạch phân khu các đô thị vệ tinh đang trong quá trình tổ chức lập; Quy hoạch chiếu sáng đô thị chưa lập; 14 quy hoạch xây dựng vùng huyện đang lập; quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng các chung cư cũ đang dự thảo…
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh trả lời các vấn đề được các thành viên Đoàn giám sát nêu ra; đồng thời nêu nhiều vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ, về nguyên nhân, trách nhiệm và nêu kiến nghị về nhiều vấn đề cụ thể.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu cho Chính phủ và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Đoàn giám sát và kiến nghị của địa phương.
Khẳng định Giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” là nội dung rất quan trọng nhưng thời gian còn lại không nhiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện và gửi báo cáo bổ sung cho Đoàn giám sát trong thời gian sớm nhất.
Các ý kiến tham gia tại phiên làm việc sẽ là cơ sở quan trọng để Đoàn giám sát nghiên cứu, chuẩn bị dự thảo Báo cáo kết quả giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tháng 4/2022 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Quy hoạch Thủ đô lập khi chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và hầu hết các quy hoạch ngành quốc gia chưa được phê duyệt; cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch cũng chưa hoàn thiện, dự kiến có 66 nội dung đề xuất tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô; đề xuất nêu rõ hơn những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị cụ thể giải pháp để bảo đảm chất lượng các quy hoạch và vừa có tính kế thừa cái cũ, vừa đồng bộ với các quy hoạch bên trên, bên dưới khi Quy hoạch Thành phố được duyệt.
Theo báo cáo có việc trùng lặp giữa quy hoạch chung đô thị của thành phố lập theo Luật Quy hoạch đô thị và Quy hoạch Thủ đô lập theo Luật Quy hoạch, ngoài ra còn chịu sự điều chỉnh của Luật Thủ đô, mâu thuẫn, chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và quy hoạch sử dụng đất trong quy hoạch xây dựng. Những nội dung gì liên quan trực tiếp đến lập, thẩm định và phê duỵệt quy hoạch thì cần đề xuất giải pháp xử lý, nêu rõ có cần phải sửa hệ thống pháp luật không, nếu sửa thì sửa luật nào, sửa như thế nào cần kiến nghị thật cụ thể...
(Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải)
Hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch là hoàn toàn mới so với trước đây, trong và ngoài nước hiện chưa có tổ chức tư vấn hoặc chuyên gia tư vấn đủ kinh nghiệm theo quy định của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019, gây khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn. Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, cùng với các xu hướng mới và quan trọng về bối cảnh kinh tế-xã hội toàn cầu, đã làm ảnh hưởng không nhỏ công tác quy hoạch...
(Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh)