Lấp đầy khoảng trống trong thực thi chính sách

Năm 2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực ngày 1/1/2018 với nhiều quy định ưu đãi, hỗ trợ được kỳ vọng là hành lang pháp lý quan trọng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khu vực này vươn lên trở thành động lực phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, sau bốn năm triển khai, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận được hỗ trợ theo luật chỉ đạt dưới 8%, thậm chí 51,3% số doanh nghiệp không biết đến luật này,...
0:00 / 0:00
0:00
Xã viên Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội) sơ chế, đóng gói sản phẩm rau xanh. (Ảnh TRẦN HẢI)
Xã viên Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội) sơ chế, đóng gói sản phẩm rau xanh. (Ảnh TRẦN HẢI)

Những con số nêu trên cho thấy vẫn còn nhiều rào cản đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi khoảng trống giữa chính sách và việc thực thi rất lớn, đòi hỏi cần nhanh chóng lấp đầy.

Bất cập trong triển khai

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam hiện có khoảng 870 nghìn doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 98%. Những năm qua, khu vực doanh nghiệp này đã và đang khẳng định được vai trò, động lực khi tạo ra việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và cả nước; mỗi năm đóng góp khoảng 40% vào GDP, nộp ngân sách nhà nước khoảng 30%, giá trị sản lượng công nghiệp đạt 33%, giá trị hàng hóa xuất khẩu 30% và thu hút gần 60% số lao động. Điều đó cho thấy sự lớn mạnh cả về số lượng, quy mô hoạt động và nội lực của khu vực này.

Thế nhưng, trước tình trạng lạm phát toàn cầu, giá cả hàng hóa leo thang, chuỗi cung ứng bị đứt gãy,… 90% số doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn, rất cần sự hỗ trợ để phục hồi sau giai đoạn bị “bào mòn” vì đại dịch Covid-19. Tuy nhiên thực tế, nhóm doanh nghiệp này đang là nhóm ít được hưởng lợi nhất từ các chính sách hỗ trợ.

Theo một cuộc khảo sát tình hình thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ 1/1/2018 đến 30/6/2022, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Phước Hưng cho biết, có khoảng cách lớn giữa chính sách và việc thực thi khiến cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ theo quy định về tiếp cận tín dụng, thuế, kế toán, công nghệ, mở rộng thị trường, thông tin, tư vấn và pháp lý, phát triển nguồn nhân lực.

Đáng lưu ý, việc tiếp cận tín dụng là một chế tài quan trọng được quy định trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng trên thực tế, đây lại là một trong những thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn xảy ra dịch Covid-19. Chẳng hạn, các ngân hàng thương mại không chủ động thực hiện việc tăng dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp không có tài sản thế chấp. Việc cho vay dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp không thực hiện được do thiếu cơ chế và ngân hàng e ngại rủi ro mất vốn; quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp hoạt động rất khó khăn và thiếu cơ chế an toàn vốn cho nên không có nhiều khả năng cấp bảo lãnh tín dụng,… Đây đều là những bất cập của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Do đó, chỉ có khoảng 25% số doanh nghiệp khu vực này tiếp cận được kênh tài chính chính thống. Khó khăn nêu trên đã khiến nhiều doanh nghiệp phải đi tìm những nguồn cho vay khác hoặc cầm cố, bán tài sản để cầm cự trong đại dịch. Thậm chí, 4% số doanh nghiệp chấp nhận đi vay từ nguồn “tín dụng đen” với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất trung bình của các tổ chức tín dụng.

Ông Tuấn Linh, đại diện một công ty chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu cho biết, vấn đề khó khăn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là hạn chế về tài sản thế chấp hoặc không có tài sản thế chấp, cho nên khó tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi,… Do đó, các doanh nghiệp này đều coi gói hỗ trợ 2% lãi suất như một chiếc “phao cứu sinh” trong giai đoạn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dù rất cố gắng nhưng họ vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn này, thậm chí hiện ngân hàng còn thông báo tăng lãi suất cho vay.

Cụ thể, để được hỗ trợ lãi suất phải đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận và buộc phải có tài sản bảo đảm,... Trong khi sau hơn hai năm chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, rất ít doanh nghiệp không có nợ xấu, chưa nói tới việc có dòng tiền ổn định. “Giai đoạn vừa qua, doanh nghiệp nào không nợ mới là lạ. Phải vay được vốn thì mới có cơ hội phục hồi, rồi tính đến việc trả được nợ xấu. Nhưng quy định lại phải không có nợ xấu mới được vay thì không khác gì “cơm treo, mèo nhịn đói” - ông Linh than thở.

Lắng nghe nhiều hơn ý kiến từ doanh nghiệp

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến nay, bên cạnh các gói hỗ trợ, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp chính sách thuế linh hoạt như: Miễn giảm, giãn thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất với gần 124.000 tỷ đồng, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được chính sách này rất ít, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Trong khi đó, việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội có quy mô 350 nghìn tỷ đồng, thực hiện trong hai năm (2022-2023) đến nay vẫn rất chậm. Còn gói hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được cấp bù lãi suất vay ưu đãi 2% từ nguồn 40 nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước sau hơn ba tháng cũng mới giải ngân 13,5 tỷ đồng. Nguyên nhân được nhận định do các điều kiện để đáp ứng quá khó với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây thật sự là một vòng luẩn quẩn kiềm chế sự phát triển lâu dài của khu vực này, khiến họ mất đi cơ hội phục hồi sau đại dịch hoặc bỏ lỡ các cơ hội đầu tư, không thể mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, thực tế vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số văn bản pháp luật về đầu tư kinh doanh, gây ra điểm nghẽn cho hoạt động đầu tư, nhất là việc tiếp cận vốn. Thời gian qua, nhiều hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp có kiến nghị gửi đến VCCI đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần ưu tiên thúc đẩy gói hỗ trợ 2% lãi suất để doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn, sớm làm rõ các vướng mắc để giải quyết kịp thời, đẩy nhanh giải ngân.

Song trước hết, các bên liên quan cần rà soát, nắm bắt kịp thời các bất cập, vướng mắc trong việc triển khai các gói hỗ trợ thời gian qua để điều chỉnh cho phù hợp; đồng thời, cần nới lỏng một số điều kiện nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng và giảm về thủ tục, quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, nhất là thủ tục chứng minh về tài chính. Các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch, tránh hiện tượng trục lợi và nên kéo dài thời gian hỗ trợ để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi, ổn định sản xuất, kinh doanh.

Các chuyên gia cho rằng, ngoài hỗ trợ về tín dụng, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần bổ sung các chương trình hỗ trợ về tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh. Bên cạnh đó, các tổ chức, hội ngành nghề cần nâng cao vai trò trong việc tham mưu, điều chỉnh các quy định, góp phần đưa các chính sách thật sự đi vào cuộc sống. Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đệ nhìn nhận, hiện phần lớn doanh nghiệp chỉ chú tâm sản xuất, kinh doanh, không nghiên cứu sâu về pháp luật, vì vậy các hiệp hội cần đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp.

Những tổ chức này phải nghiên cứu kỹ các vấn đề vướng mắc, bất cập trong việc thi hành chính sách và thay mặt cộng đồng doanh nghiệp có thể đề xuất với chính quyền địa phương, Chính phủ, Quốc hội nhằm sửa đổi, bổ sung những quy định ngay từ khâu dự thảo luật. Đồng thời, các đơn vị xây dựng chính sách cũng cần lắng nghe nhiều hơn ý kiến, tâm tư, nguyện vọng từ cộng đồng doanh nghiệp, tránh việc một số quy định được ban hành nhưng không đến được với doanh nghiệp, chưa đúng với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như các văn bản luật...