Lào Cai nâng cao chất lượng xóa đói, giảm nghèo

Với quan điểm chỉ đạo “đi cùng và đi trước”, tỉnh Lào Cai đã chủ động điều hành có hiệu quả các chính sách liên quan đến giảm nghèo. Cùng với đó, tỉnh tích cực thực hiện Chương trình giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới… tạo nền tảng bền vững để tiến tới triển khai thuận lợi các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Ðồng bào vùng cao Lào Cai trồng chè đặc sản Tuyết san theo phương pháp VietGAP để xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa nghèo bền vững.
Ðồng bào vùng cao Lào Cai trồng chè đặc sản Tuyết san theo phương pháp VietGAP để xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế, xóa nghèo bền vững.

Nghị quyết số 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay phát triển kinh tế-xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2019-2025, đang được triển khai hiệu quả.

Xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù

Theo đó, ngân sách của tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội bình quân 1 tỷ đồng/xã/năm cho 43 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025, với lãi suất ưu đãi. Ðây là nghị quyết xóa nghèo đặc biệt, thể hiện sự quyết tâm, sáng tạo của Lào Cai trong thực hiện xóa vùng “lõi nghèo” ở địa phương.

Vừa qua, Tỉnh ủy Lào Cai cũng đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển các ngành, hàng chủ lực như: Cây chè, cây dứa, cây chuối, cây quế, cây dược liệu, chăn nuôi lợn và phát triển sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng theo hướng bền vững; tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt khoảng 5,5%/năm, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2025 ước đạt 12 nghìn tỷ đồng.

“Cụ thể hơn là phát triển nông nghiệp gắn với vùng chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, phát triển mạnh các sản phẩm sạch, sản phẩm có nguồn gốc chất lượng cao và tạo ra sự liên kết giữa các vùng sản xuất đủ lớn mạnh, có thương hiệu hàng hóa…”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh nhấn mạnh.

Hướng về nông thôn, hằng năm, Lào Cai dành 70% nguồn lực cho nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đến hết năm 2022, số thôn, bản có đường trục giao thông cứng hóa đạt hơn 90%; tỷ lệ thôn, bản có điện lưới đạt 95%; 100% số xã xóa phòng học tạm… Tỉnh xác định trong giai đoạn 2021-2025, huy động tối đa các nguồn lực cho giảm nghèo, nhất là vùng “lõi nghèo”, khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bằng cách triển khai đầy đủ các hợp phần Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 9%/năm trở lên theo chuẩn nghèo mới.

Lực đẩy xóa nghèo bền vững

Chị Hoàng Ngọc Linh, dân tộc Tày, ở xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, tốt nghiệp lớp Sơ cấp nghề nông-lâm tại Trường cao đẳng Lào Cai. Trong thời gian tham gia khóa học, chị được hỗ trợ học phí 300 nghìn đồng/khóa, 200 nghìn đồng chi phí đi lại và hỗ trợ tiền ăn 15 nghìn đồng/ngày. Sau khi tốt nghiệp, chị tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai để nộp hồ sơ tuyển dụng và được giới thiệu vào làm việc tại nhà máy chế biến rau quả ở tỉnh Bắc Giang. Chị Linh phấn khởi cho biết, không chỉ được hỗ trợ ăn ca, chị cùng các công nhân khác được hưởng mức lương bình quân từ 7-9 triệu đồng/người/tháng, mọi quyền lợi về an sinh, xã hội đều được bảo đảm theo đúng hợp đồng lao động đã ký kết.

Theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai Ðinh Thị Hưng, tỉnh hiện có 14 cơ sở giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, với năng lực đào tạo khoảng 9.500 lao động/năm, bên cạnh đó liên kết với các cơ sở ngoài tỉnh đào tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động/năm. Sở cũng đã hướng dẫn các địa phương chủ động khảo sát nhu cầu và xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với giải quyết việc làm; tập trung vào các ngành sản xuất truyền thống sẵn có như: kỹ thuật trồng và khai thác rừng trồng, chế biến lâm sản, trồng rau an toàn, du lịch cộng đồng, kỹ thuật xây dựng…

Không những vậy, Lào Cai tập trung đẩy mạnh xây dựng và phát triển sản xuất theo mô hình hợp tác xã, nhóm liên kết cùng sở thích, coi hợp tác xã là lực đẩy để nâng cao chất lượng và giảm nghèo bền vững. Các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh thu hút hơn 8.400 thành viên và tạo việc làm cho hơn 8.900 lao động, trong đó phần lớn là lao động nữ ở vùng nông thôn, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, miền núi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Quốc Khánh cho biết, các hợp tác xã hoạt động trong khu vực nông nghiệp đã thể hiện vai trò quan trọng trong ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu thập và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ nay đến năm 2025, Lào Cai phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 65%; số lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 493.320 người, trong đó 66% lao động là người dân tộc thiểu số; chuyển dịch cơ cấu lao động mạnh mẽ với 20.120 lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.