Xét nghiệm rộng, bảo đảm “nhân sự sạch”
Ngay sau khi phát hiện các ca dương tính ở địa phương, bên cạnh việc truy vết F1, F2 để khoanh vùng, phong tỏa gọn và xét nghiệm dịch tễ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Co vid-19 tỉnh Lào Cai đã huy động tổng lực các lực lượng y tế, nòng cốt là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Lào Cai, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Hưng Thịnh, Bệnh viện đa khoa thành phố Lào Cai và Trung tâm Y tế Bảo Thắng, thành phố Lào Cai, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ hơn 2.000 người ở Cửa khẩu Kim Thành và hơn 6.000 người ở Khu công nghiệp Tằng Loỏng. Kết quả xét nghiệm toàn bộ âm tính, bảo đảm duy trì hoạt động cửa khẩu và sản xuất công nghiệp bình thường.
Để phòng, chống dịch Covid-19, Ban quản lý Khu kinh tế Lào Cai đã chủ động ngay từ đầu, áp dụng và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về y tế; chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Lãnh đạo ban thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện 5K đối với toàn bộ cán bộ, công chức: hải quan, kiểm dịch và lực lượng biên phòng tại Cửa khẩu Kim Thành.
Tại khu công nghiệp “xương sống” Tằng Loỏng, các nhà máy luyện đồng, luyện gang thép; tuyển quặng apatit; sản xuất phân bón DAP, phốt-pho vàng và hóa chất đều có các tổ phòng, chống dịch thực hiện đo thân nhiệt, khai báo y tế, giám sát dịch tễ ngay từ cổng nhà máy, trước khi vào ca sản xuất; phối hợp chặt chẽ với lực lượng y tế địa phương để phun khử khuẩn chung quanh nhà máy và xử lý những trường hợp cần thiết, bảo đảm phòng dịch đạt kết quả cao nhất.
“Chúng tôi xác định phòng, chống dịch hiệu quả, bảo đảm giao thương, sản xuất, nếu không sẽ lỡ nhịp, sau này phục hồi sẽ chậm và rất khó khăn”, ông Nguyễn Ngọc Khải, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết.
Xây dựng phương án giao thương và duy trì sản xuất phù hợp
Do đặc thù gắn kết chặt chẽ giữa Cửa khẩu Kim Thành với Khu công nghiệp Tằng Loỏng nên UBND tỉnh Lào Cai chú trọng vừa phòng, chống dịch chặt chẽ, nghiêm ngặt để bảo vệ tốt, vừa duy trì hoạt động giao thương, sản xuất tại hai khu vực trọng yếu này.
Theo đó, tỉnh thực hiện phương án 277, kiểm soát dịch từ xa, nhiều lớp và tổ chức đội lái xe trung chuyển, bố trí ngay tại nút kiểm soát cuối Km237 cao tốc Nội Bài - Lào Cai và ngay tại đầu cầu đường bộ Cửa khẩu Kim Thành.
Cụ thể, người điều khiển phương tiện và người đi theo phương tiện (nếu có) vận tải hàng hóa đi theo tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Cửa khẩu Kim Thành để xuất khẩu phải thực hiện kê khai y tế, xét nghiệm SARS-CoV-2 tại chốt kiểm dịch Covid-19 đặt tại Km237. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, lái xe được điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa lên Cửa khẩu Kim Thành để xuất khẩu; trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính, lái xe phải vào khu cách ly và tiếp tục xét nghiệm PCR. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm PCR, lực lượng chức năng tại đây sẽ phun khử khuẩn xe và bố trí lái xe của Lào Cai điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa lên Cửa khẩu Kim Thành để xuất khẩu bình thường.
Tỉnh ưu tiên xuất khẩu nông sản các loại, nhất là quả vải tươi từ Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên; cho phép lái xe điều khiển phương tiện vào tập kết tại mặt bằng của Công ty Cổ phần Logistics Kim Thành. Sau khi thực hiện đầy đủ thủ tục xuất khẩu, các lực lượng chức năng điều tiết phương tiện vào khu cách ly tại cửa khẩu, phun khử trùng toàn bộ khoang lái và bàn giao phương tiện cho lái xe Trung Quốc.
Sau khi bàn giao xe cho các lái xe Trung Quốc, lái xe vận chuyển quả vải tươi xuất khẩu được tập kết, lưu trú tại khu Logistics Kim Thành, chờ nhận xe thùng rỗng để quay về, tiếp tục vận chuyển và giao thương hàng hóa.
Nhờ vậy, Cửa khẩu Kim Thành duy trì hoạt động giao thương và tăng trưởng tích cực. Tính đến ngày 29-6, đã thông quan xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hơn 40.000 tấn quả vải thiều tươi, trị giá hơn 23 triệu USD, tương đương khoảng 540 tỷ đồng.
Tính chung các loại hàng hóa, từ đầu năm đến nay, giá trị xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu Kim Thành đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ năm 2020. Hàng xuất khẩu là thanh long, vải thiều, dưa hấu, xoài, sắn tươi, phốt-pho vàng…; hàng nhập khẩu là phân bón, thiết bị máy móc công nghiệp…
Khu công nghiệp Tằng Loỏng hiện có 20 nhà máy lớn, sản xuất gang thép, đồng kim loại, a-xít phốt-pho-rích, phân DAP đều tăng trưởng mạnh, kịp đón giá bán trên thị trường tăng cao (đồng tấm tăng gần 100 triệu đồng/tấn, phôi thép tăng 10,5 triệu đồng/tấn, a-xít phốt-pho-rích tăng 700 nghìn đồng/tấn), đem lại doanh thu và lợi nhuận tốt. Sáu tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng đạt đạt 11.287 tỷ đồng, tăng 21,9% so cùng kỳ; tổng doanh thu đạt 16.001 tỷ đồng, tăng 20% so cùng kỳ năm 2020.
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, “trong điều kiện dịch bệnh, cần tổ chức tốt sản xuất vừa chống dịch vừa “chiến đấu”, không để ngừng trệ sản xuất, thực hiện mục tiêu kép, đó là sản xuất để chống dịch và chống dịch để sản xuất”, Lào Cai tập trung mọi nỗ lực thực hiện mục tiêu kép này.