Lành mạnh hóa hoạt động thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) hiện đang không ngừng phát triển và ngày càng bùng nổ nhờ những tiến bộ trong công nghệ. Nhưng song hành với đó, theo đánh giá của Tổng cục Quản lý thị trường, hoạt động này thời gian qua đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các hành vi này ngày càng tinh vi, khó lường, có nhiều diễn biến phức tạp, gây mất niềm tin của người tiêu dùng.
0:00 / 0:00
0:00
Người tiêu dùng trải nghiệm công nghệ số và thương mại điện tử trong Ngày hội mua sắm trực tuyến. (Ảnh AN KHÁNH)
Người tiêu dùng trải nghiệm công nghệ số và thương mại điện tử trong Ngày hội mua sắm trực tuyến. (Ảnh AN KHÁNH)

Nếu không có biện pháp kiểm soát mạnh mẽ và chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính với mức độ nhẹ như hiện tại sẽ không đủ sức răn đe, ngăn chặn. Do đó, các cơ quan chức năng cần có chế tài mạnh hơn nữa để bảo vệ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Vấn nạn hàng giả, hàng lậu

Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), hoạt động TMĐT ở Việt Nam có tốc độ phát triển khá nhanh, trung bình từ 25-30%/năm, với doanh thu năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng trưởng 25%/năm, dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt hơn 56 tỷ USD vào năm 2025.

Vì vậy, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, tốp 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, do phát triển nhanh, các chế tài quản lý cũng như khung khổ pháp lý còn chưa theo kịp cho nên TMĐT cũng đang là "mảnh đất" béo bở để các đối tượng lợi dụng buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng hóa vi phạm khác. Điều này đã khiến không ít người tiêu dùng mất dần niềm tin vào các sàn TMĐT.

Là nhân viên văn phòng một công ty luật trên địa bàn thành phố Hà Nội, với công việc khá bận rộn, chị Thanh Tâm thường xuyên sử dụng hình thức mua sắm qua mạng xã hội, sàn TMĐT để tiết kiệm chi phí, cũng như thời gian. Muốn mua gì, chị Tâm chỉ cần gõ tên món hàng cần tìm trên các sàn TMĐT hoặc mạng xã hội là hàng loạt các Fanpage, trang web, gian hàng hiện ra với đủ thứ hàng hóa.

Giá cả nào cũng có, thậm chí có thể dễ dàng so sánh mức giá chênh nhau từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng giữa các shop và người bán. Song theo chị Tâm, người tiêu dùng như lạc vào ma trận bởi nếu không tỉnh táo rất dễ mua phải hàng giả do tình trạng "treo đầu dê, bán thịt chó". Không ít lần chị đặt mua hàng trên mạng xã hội Facebook nhưng đã bị lừa mất tiền, bởi khi nhận, thanh toán tiền và mở gói hàng ra, bên trong chỉ có chiếc áo cũ hoặc món đồ không có giá trị.

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, trong năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 71.910 vụ việc, phát hiện và xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022). Riêng lĩnh vực TMĐT, lực lượng này đã kiểm tra 834 vụ việc, trong đó xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng, với trị giá hàng hóa gần 6 tỷ đồng; cùng với đó, thường xuyên theo dõi, giám sát, phát hiện, xử lý các vi phạm thông qua bán hàng online, livestream. Năm 2023, cùng với các đơn vị chức năng khác, Tổng cục Quản lý thị trường đã kiến nghị, đề xuất Bộ Công thương yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ/khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm.

Nhiều vụ việc bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội nổi cộm đã bị triệt phá như: Ansan Cosmetics tại Thành phố Hồ Chí Minh, thu giữ 7.678 đơn vị sản phẩm; TS Việt Nam tại thành phố Hà Nội, thu giữ 14 nghìn sản phẩm với với tổng trị giá ước tính trên 11 tỷ đồng; Menshop79 tại thành phố Hà Nội, thu giữ 2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như: Hermes, Gucci, Louis Vuitton,... trị giá hơn 20 tỷ đồng); đặc biệt, đã chuyển cơ quan điều tra vụ việc cơ sở kinh doanh online Mailystyle có địa chỉ tại quận Hà Đông (Hà Nội) với 126 nghìn sản phẩm không hóa đơn, chứng từ trị giá hơn 20 tỷ đồng.

Cần sớm có chế tài bảo vệ người tiêu dùng

TMĐT Việt Nam đang có nhiều lực đẩy hỗ trợ tăng trưởng, như làn sóng chuyển đổi số, hạ tầng công nghệ, kết nối internet phổ cập, vốn, thanh toán online, logistics và nguồn nhân lực,... Đặc biệt, Việt Nam đang có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số và TMĐT, song cũng đặt ra những áp lực, thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng.

Tổng cục trưởng Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, các đối tượng kinh doanh online có nhiều thủ đoạn mới để đối phó, khiến việc phát hiện các vi phạm của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Trước đây, thương mại điện tử chỉ là bán hàng trên các trang web thì hiện nay có thể bán trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, Instagram,...

Ngoài ra, theo ông Linh, sau nhiều đợt truy quét quyết liệt của lực lượng Quản lý thị trường, hoạt động của các đối tượng này ngày càng tinh vi hơn khi sử dụng nơi bán hàng, nơi quảng cáo, chốt đơn, kho hàng ở nhiều khu vực khác nhau, gây khó khăn trong việc theo dõi, triệt phá. Đặc biệt, việc các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát. Do đó, trong thời gian tới, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, xử lý, thực hiện theo Đề án chống hàng giả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường TMĐT nhằm từng bước xây dựng thị trường TMĐT minh bạch và lành mạnh hơn.

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, việc chống hàng giả, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là trên môi trường TMĐT là ưu tiên của ngành công thương hiện nay. Song, việc quản lý hoạt động livestream hay bán hàng trên sàn TMĐT rất khó khăn, không chỉ là trách nhiệm của ngành công thương mà còn của rất nhiều ngành như công nghệ thông tin, tài chính. Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, giải pháp để xử lý có hiệu quả vấn đề này là phải phối, kết hợp giữa các lực lượng chức năng, rà soát lại các quy định pháp luật, làm tốt công tác truyền thông để người tiêu dùng nhận thức được và tránh được tình trạng hàng giả, hàng nhái.

Trong đó, Bộ Công thương sẽ là cơ quan chủ trì phối hợp, sử dụng lực lượng quản lý thị trường để phát hiện, đấu tranh, làm rõ những hành vi sai phạm, nhất là phải tìm những địa điểm mà các đối tượng này tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch để trao đổi, chia sẻ dữ liệu thông tin với cơ quan công an để kịp thời xử lý. Về lâu dài, Bộ Công thương sẽ thường xuyên khuyến nghị đến các nhà sản xuất trong nước chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhất là trên môi trường TMĐT.